Nhân quyền ở Việt Nam không thể dựa trên thông tin sai lệch

Hương Giang
Chia sẻ
(VOV5) - Bộ ngoại giao Mỹ vừa công bố báo cáo thường niên về tình trạng nhân quyền  thế giới, trong đó có Việt Nam và Nghị viện châu Âu cũng có Nghị quyết với các cáo buộc Việt Nam thiếu tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do internet. Trả lời phỏng vấn phóng viên Đài TNVN, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chánh văn phòng, Văn phòng thường trực nhân quyền của Việt Nam, cho rằng đó là những cáo buộc thiếu khách quan, dựa trên thông tin sai lệch về tình hình nhân quyền Việt Nam.  
(VOV5) - Bộ ngoại giao Mỹ vừa công bố báo cáo thường niên về tình trạng nhân quyền  thế giới, trong đó có Việt Nam và Nghị viện châu Âu cũng có Nghị quyết với các cáo buộc Việt Nam thiếu tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do internet. Phóng viên Đài TNVN phỏng vấn ông Nguyễn Thanh Sơn, Chánh văn phòng, Văn phòng thường trực nhân quyền của Việt Nam về vấn đề này.


Nhân quyền ở Việt Nam không thể dựa trên thông tin sai lệch - ảnh 1
Ông Nguyễn Thanh Sơn


Phóng viên: Thưa ông, Văn phòng thường trực nhân quyền, cơ quan thường trực về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam đánh giá những cáo buộc của Nghị viện châu Âu cũng như Bộ ngoại giao Hoa Kỳ có khách quan không và họ dựa trên thực tế nào để đưa ra những thông tin như vậy?


Ông Nguyễn Thanh Sơn:
Báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng như Nghị quyết của Nghị viện Châu Âu không hoàn toàn nói xấu về tình hình nhân quyền của Việt Nam. Trước hết, họ ghi nhận những thành tựu và những tiến bộ mà Việt Nam đã đạt được. Ví dụ như vấn đề xóa đói giảm nghèo, bảo đảm quyền tự do tôn giáo. Đó là điều hết sức khách quan. Tuy nhiên, có những điều họ nêu hoàn toàn không khách quan, can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, đi ngược lại xu thế quan hệ giữa Việt Nam với EU và Hoa Kỳ. Các báo cáo của họ dựa trên những thông tin sai lệch, không dựa vào tình hình thực tế ở Việt Nam. Họ dựa vào những thông tin, qua những kênh không chính thống, xuất phát từ những cá nhân có tư tưởng chống đối Việt Nam, xuyên tạc tình hình nhân quyền Việt Nam. Chúng tôi với tư cách là văn phòng thường trực, giúp cho Chính phủ Việt Nam đảm bảo quyền con người trong nước, kiên quyết phản đối những nội dung sai trái, những tình tiết xuyên tạc việc đảm bảo quyền con người ở Việt Nam hiện nay.


Phóng viên:
Cả Nghị viện Châu Âu và Bộ ngoại giao Hoa Kỳ đều bày tỏ sự quan tâm đối với tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do internet ở Việt Nam. Thưa ông, những nội dung này có được pháp luật Việt Nam bảo đảm hay không?


Ông Nguyễn Thanh Sơn:
Pháp luật Việt Nam đã quy định rõ ràng về việc đảm bảo quyền của người dân về ngôn luận, tự do hội họp, tự do Internet. Hiện nay, chúng ta có trên 700 tờ báo viết, hơn 1000 báo mạng và khoảng 31 triệu người dân sử dụng Internet. Những con số đó đã nói lên rằng, ở Việt Nam không có chuyện ngăn cản về tự do ngôn luận hay Internet. Vấn đề đáng quan tâm ở chỗ, có một số công dân Việt Nam đã lợi dụng quyền được pháp luật bảo hộ nhằm hoạt động cho mục đích riêng của mình , đó là chống đối chế độ, vi phạm trật tự xã hội, gây ra những bất ổn trong xã hội.


Phóng viên
: Các nước phương Tây cáo buộc Việt Nam bắt giữ hơn 20 blogger trong năm 2012 với những cái tên rất cụ thể. Vậy xin ông nói rõ hơn về những trường hợp này? Họ bị bắt gì sử dụng blog hay vi phạm pháp luật?


Ông Nguyễn Thanh Sơn:
Như tôi đã nói, một số công dân Việt Nam đã lợi dụng quyền tự do ngôn luận mà pháp luật bảo hộ để gây ra bất ổn ở Việt Nam. Họ lợi dụng Internet, lợi dụng các trang mạng để tuyên truyền, kích động, lôi kéo người dân xuống đường biểu tình. Họ xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong vấn đề đảm bảo quyền con người. Pháp luật Việt Nam xử lý các đối tượng này không phải vì họ sử dụng blog hay các trang mạng mà xử lý hành vi vi phạm pháp luật của họ. Chúng tôi đã nhiều lần nói với phía Mỹ và phương Tây về việc này.


Ví dụ như gần đây, một số đối tượng đã được đưa ra xét xử công khai như Tạ Phong Tần, Nguyễn Văn Hải với blog Điếu Cày…Những trường hợp này đều vi phạm pháp luật. Động cơ của họ là chống đối Nhà nước, lật đổ chế độ.  Tòa án đã xét xử công khai và họ đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình.


Phóng viên
: Thưa ông, sự tự do nào cũng phải nằm trong khuôn khổ pháp luật, không xâm phạm uy tín của người khác hay an ninh, trật tự xã hội. Tự do báo chí hay ngôn luận ở Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ phải không thưa ông?


Ông Nguyễn Thanh Sơn:
Đúng vậy. Ngay điều 19 Công ước quyền dân sự và chính trị cũng quy định rất rõ ràng rằng, quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp hay Internet phải bị ràng buộc bởi pháp luật nhằm duy trì trật tự xã hội, đảm bảo an ninh của nước sở tại. Những trường hợp như tôi đã nói, họ bị hạn chế, bị xử lý bởi pháp luật Việt Nam vì hành vi của họ phương hại đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.   


Phóng viên
: Xin trân trọng cảm ơn ông./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu