Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu: nhà lãnh đạo trọng thực tiễn

Bá Thi (tổng hợp)
Chia sẻ
(VOV5) - Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu luôn quan tâm đến vấn đề dân sinh và tư tưởng “lấy dân làm gốc” luôn được đề cao.

Trong suốt quá trình công tác cũng như khi không còn giữ những trọng trách trong Đảng, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu luôn thể hiện tinh thần trọng thực tiễn, đổi mới, quyết tâm làm trong sạch Đảng, đưa đất nước hội nhập và tiến lên.  

Tại Hội nghị Trung ương 6 lần 2 (Khóa 8) năm 1999, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã thẳng thắn phân tích, đặt ra một loạt câu hỏi xoáy sâu vào những tồn tại và hạn chế trong Đảng lúc bấy giờ: “Nếu Đảng không thấy được những yếu kém ấy, không tập trung, không kiên quyết khắc phục và ngăn ngừa có hiệu quả, thì rất có thể Đảng sẽ ngày càng tự biến chất, xa rời bản chất cách mạng của Đảng. Có phải nếu như chúng ta không khắc phục được,  không ngăn ngừa được những yếu kém nói trên, nhất là về tư tưởng chính trị, về đạo đức, lối sống cũng như về nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng, nó sẽ đưa đến nguy cơ tự hủy mình hay không?”.

Hội nghị đã thông qua Nghị quyết “Một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng đảng hiện nay”, chính thức khởi động cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Ban Tổ chức Trung ương và là một trong những thành viên tham gia nghiên cứu, khảo sát, soạn thảo để xây dựng Nghị quyết, đánh giá, văn kiện này mang đậm tinh thần đổi mới và trọng thực tiễn của người đứng đầu - Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu: “Nghị quyết ra đời như một làn gió mới; như là một sự “cởi trói”, dám nhìn thẳng vào sự thật và xử lý điểm những vấn đề thực tiễn đặt ra. Sau 10 năm đổi mới, sau những biến cố lớn của thế giới, nhất là những vấn đề liên quan đến phong trào cộng sản quốc tế, tổ chức của Đảng có “rệu rã”, có nhiều vấn đề cần phải “xốc lại”, kiện toàn lại”.

Ông Nguyễn Giáp Dần, người đã có hơn 12 năm làm Thư ký cho nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, nhận xét: nguyên Tổng Bí thư luôn quan tâm đến vấn đề dân sinh và tư tưởng “lấy dân làm gốc” luôn được đề cao. Ông thường lắng nghe lời phản ánh từ nhân dân, thậm chí có những nơi phải đi trực tiếp xem có đúng như vậy không, để từ đó chỉ ra cách để đưa nghị quyết cơ sở đi vào thực tiễn đời sống nhân dân. Việc ban hành Nghị quyết Trung ương 6 lần 2, đã phản ánh rất rõ quyết tâm đổi mới, nhìn thẳng vào thực tiễn của vị lãnh đạo cao nhất của Đảng lúc bấy giờ:  “Nghị quyết đấy, lúc đầu Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu rất trăn trở, vì khi đó đã có một số những biểu hiện suy thoái trong Đảng. Bởi vậy, làm cuộc chấn chỉnh là kịp thời và tạo ra một động lực cho Đảng, cho dân phấn khởi và cũng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng”.

Không chỉ lúc đương nhiệm, mà ngay cả khi đã thôi giữ những trọng trách của Đảng, của đất nước, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu vẫn luôn truyền đi những thông điệp mạnh mẽ về tinh thần thẳng thắn, đi sâu vào thực tiễn. Trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài TNVN tháng 2 năm 2016, nhân kỷ niệm 86 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu tiếp tục khẳng định: “Cần cụ thể hóa hơn nữa, làm sao cho Đảng thật trong sạch, vững mạnh, sát dân. Nhất là đội ngũ cán bộ của Đảng, làm sao những cán bộ đó tận tụy vì nước vì dân, nói và làm tới người dân. Nhất là những thực tiễn của đất nước phải sát. Như thế mới tránh được yếu kém, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, cửa quyền, xa dân”.

Chỉ giữ cương vị người đứng đầu của Đảng trong khoảng thời gian ngắn (từ tháng 12/1997-4/2001), song nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã để lại những dấu ấn đậm nét trong quá trình lớn mạnh, phát triển của Đảng và đất nước. Tinh thần trọng thực tiễn, dám nhìn thẳng, đối mặt với những tồn tại, hạn chế, yếu kém để mà khắc phục, vươn lên của ông, vẫn còn nguyên giá trị cho đến hôm nay.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu