(VOV5) - Bắt đầu từ sáng 15/11, nội dung chất vấn tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV sẽ chính thức được tiến hành.
Trong 2,5 ngày làm việc, các đại biểu Quốc hội tiến hành chất vấn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng 4 Bộ trưởng: Bộ công thương; Bộ tài nguyên và môi trường; Bộ giáo dục và đào tạo; Bộ Nội vụ. Tất cả các phiên chất vấn đều được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri theo dõi.
|
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh sẽ là người đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội (Ảnh: vov.vn) |
Các nhóm vấn đề dự kiến chất vấn gồm: Phương án xử lý các dự án, nhà máy thua lỗ, kém hiệu quả; kiểm soát lãng phí trong đầu tư công; tình hình thực hiện chương trình cải cách giáo dục và đào tạo; chất lượng cán bộ, công chức, viên chức; đổi mới công tác quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ....Trong quá trình các Bộ trưởng trả lời chất vấn, các Phó thủ tướng phụ trách lĩnh vực có thể tham gia giải trình, làm rõ thêm nội dung đại biểu quan tâm.
Trao đổi với báo chí trước thềm chất vấn, ông Nguyễn Văn Chiến,đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, cho biết: "Hoạt động chất vấn được Quốc hội chia thành các nhóm vấn đề. Các cử tri đều rất quan tâm đến tái cơ cấu để nền kinh tế có sự khởi sắc. Vấn đề thứ hai là vấn đề môi trường. Do vậy các đại biểu mong muốn những vị có thẩm quyền sẽ có những giải pháp hữu hiệu để giải quyết những thắc mắc của cử tri".
Ông Trần Văn Mão, Phó trưởng đoàn Quốc hội tỉnh Nghệ An, cho biết: "Với trách nhiệm là đại biểu Quốc hội chuyên trách, tôi rất quan tâm đến hoạt động quản lý nhà nước, đến nợ công và có thể đưa ra chất vấn. Ngoài ra còn có vấn đề nợ đọng thuế, việc thực hiện luật đầu tư công bắt đầu bộc lộ những hạn chế do thủ tục phiền hà, đầu tư còn dàn trải hoặc thiếu thống nhất giữa các cơ quan. Những vấn đề liên quan đến nhiều bộ, nhiều ngành mà Bộ trưởng trả lời chưa thỏa đáng thì dứt khoát chúng tôi sẽ chất vấn Thủ tướng".
Điểm mới trong hoạt động chất vấn lần này là các đại biểu Quốc hội có thể giơ biển tranh luận với Bộ trưởng tại hội trường. Đề cập vấn đề này, ông Trương Minh Hoàng, đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, cho rằng: "Với cách đổi mới trong hoạt động của kỳ họp khi mỗi đại biểu đều có phiếu để đưa ra phản biện, tôi nghĩ phiên chất vấn sẽ khá phong phú và đại biểu sẽ có cơ hội truy vấn đến cùng vấn đề mình quan tâm. Tôi hy vọng việc vừa truy vấn và phối kết hợp giữa các bộ sẽ tìm ra giải pháp của từng vấn đề".
Trước đó, để chuẩn bị cho hoạt động chất vấn, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã gửi phiếu xin ý kiến các vị đại biểu về dự kiến nhóm vấn đề chất vấn.