(VOV5) - Đêm 24/3, theo giờ Việt Nam, Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân lần thứ ba khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Diễn đàn Thế giới ở La Hay, Hà Lan. Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng cùng lãnh đạo 53 quốc gia gồm các cường quốc hạt nhân và các nước có nhiều ứng dụng hạt nhân dân sự, Tổng thư ký Liên hợp quốc, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), Chủ tịch Liên minh Châu Âu (EU)… tham dự hội nghị.
|
Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân lần thứ ba tại Trung tâm Hội nghị Diễn đàn Thế giới La Haye, Hà Lan (Ảnh: TTXVN) |
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng nước chủ nhà Hà Lan, Tổng thư ký Liên hợp quốc và Tổng thống Hàn Quốc (nước chủ nhà Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ hai) hoan nghênh những tiến bộ đáng kể đạt được qua các Hội nghị Thượng đỉnh tại Washington năm 2010 và Seoul năm 2012. Bên cạnh trách nhiệm cơ bản thuộc về các quốc gia trong việc bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh việc tăng cường hợp tác và phối hợp quốc tế với vai trò trung tâm của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế IAEA.
Sau phiên khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo các quốc gia đã tham dự phiên thảo luận chính sách trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ ba. Hôm nay, 25/3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục tham dự 3 phiên họp toàn thể và chuyên đề. Thủ tướng sẽ có bài phát biểu tại Phiên họp Toàn thể thứ nhất, trong đó nêu rõ quan điểm nhất quán của Việt Nam là sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, bảo đảm an toàn và an ninh hạt nhân và có trách nhiệm trước cộng đồng quốc tế; ủng hộ quyền của các quốc gia được sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, ủng hộ các nỗ lực giải trừ và không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có một loạt các cuộc tiếp xúc với nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ các nước tham dự hội nghị, trong đó có Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Hoa Kỳ B. Obama, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye, Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon, Thủ tướng Na Uy, Thủ tướng New Zealand, Tổng thống Kazacstan, Thủ tướng Pakistan, Bộ trưởng Ngoại giao Nga, Phó Thủ tướng CH Czech…
Tại cuộc gặp Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, hai bên bày tỏ vui mừng trước những tiến triển to lớn trong quan hệ hai nước thời gian qua, đồng thời mong muốn có những kế hoạch cụ thể nhằm thúc đẩy hợp tác hai nước, mong muốn Uỷ ban chỉ đạo hợp tác song phương sớm họp bàn các biện pháp để tiếp tục thúc đẩy quan hệ. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết đã chỉ đạo Phân ban Việt Nam của Uỷ ban chỉ đạo hợp tác song phương chuẩn bị tốt để sớm họp và đạt được kết quả tốt nhất. Nhân dịp này, Chủ tịch Tập Cận Bình mời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sớm thăm chính thức Trung Quốc.
Tại cuộc tiếp xúc với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Tổng thống Hoa Kỳ B. Obama hoan nghênh những đóng góp quan trọng của Việt Nam tại các hội nghị Thượng đỉnh hạt nhân. Về vấn đề Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, Tổng thống Obama nhấn mạnh về những tiến triển quan trọng đã đạt được và cam kết sẽ có sự linh hoạt và đối xử khác biệt phù hợp với điều kiện Việt Nam; cam kết mở cửa thị trường cho hàng dệt may, da giày, nông thuỷ sản… Tổng thống Obama cũng khẳng định sẽ sớm thăm Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ mong muốn đưa quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả trên các lĩnh vực. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định quyết tâm cùng Hoa Kỳ và các thành viên sớm kết thúc đàm phán TPP theo tinh thần quan tâm thoả đáng đến lợi ích và sự chênh lệch về trình độ phát triển. Thủ tướng cũng đề nghị Hoa Kỳ quan tâm thoả đáng tới các lợi ích của Việt Nam và hỗ trợ Việt Nam trong đàm phán, đề nghị Hoa Kỳ sớm công nhận quy chế thị trường với Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Shinzo Abe bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển mới của quan hệ hai nước. Hai thủ tướng khẳng định quyết tâm triển khai kết quả chuyến thăm Nhật Bản vừa qua của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang một cách tích cực, hiệu quả.
Gặp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye hy vọng hai nước sẽ sớm kết thúc đàm phán FTA, góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại đầu tư giữa hai nước.
Tiếp Phó Thủ tướng Cộng hòa Czech Pê-ven Bê-lô-bra-đéc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Chính phủ Czech tiếp tục cung cấp ODA cho Việt Nam, đặc biệt là các dự án về tiêm chủng cho trẻ em, khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin… Phó Thủ tướng Bê-lô-bra-đéc cũng đề nghị tăng cường hợp tác giữa các Viện nghiên cứu khoa học và cho biết Quốc hội Czech vừa thành lập Nhóm nghị sĩ bạn bè với Việt Nam, thể hiện sự coi trọng đối với Việt Nam.
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp ông W. H. (Pim) Schuurman, Lãnh sự danh dự của Việt Nam tại Hà Lan, đồng thời là Chủ tịch Phòng Thương mại Hà Lan – Việt Nam. Tại đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị ông Schuurman, với vị trí Lãnh sự danh dự và Chủ tịch Phòng Thương mại Hà Lan – Việt Nam, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan và các đối tác Việt Nam trong việc tăng cường quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước, đồng thời thúc đẩy để gia tăng kim ngạch thương mại song phương, giữ vững và nâng cao vị trí của Hà Lan với tư cách là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam trong Liên minh Châu Âu.
Trong khuôn khổ các hoạt động song phương của Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tại Hà Lan, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đến thăm Quốc hội Hà Lan và có cuộc gặp làm việc với ông Ard Van Der Steur, Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Hạ viện Hà Lan./.