Hội thảo về quan hệ hợp tác Canada - Việt Nam

Chia sẻ
(VOV5) - Việt Nam cũng là nước duy nhất trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có các cơ chế hợp tác song phương toàn diện với Canada.

Ngày hôm qua (28/1), Hiệp hội Hữu nghị Canada-Việt Nam (CVFS) tổ chức hội thảo trực tuyến với chủ đề "Canada-Việt Nam: 50 năm quan hệ và hợp tác" thu hút sự tham gia của nhiều học giả Canada cùng đông đảo bạn bè quốc tế và kiều bào.

Tại hội thảo, các đại biểu thảo luận về vị trí quan trọng của Việt Nam trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Canada cũng như những biện pháp để thúc đẩy quan hệ song phương. Các đại biểu đánh giá Việt Nam đang có ưu thế hơn các đối tác khác trong khu vực với những “điểm cộng” lớn, như: tăng trưởng kinh tế ở mức cao, lạm phát tương đối thấp...
Việt Nam cũng là nước duy nhất trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có các cơ chế hợp tác song phương toàn diện với Canada, như: Hiệp định Đối tác Toàn diện Việt Nam - Canada và Ủy ban hỗn hợp về kinh tế (JEC) giữa Việt Nam và Canada.
Hội thảo về quan hệ hợp tác Canada - Việt Nam  - ảnh 1Quang cảnh chung các điểm cầu của hội thảo. Ảnh: Viết Tuân/TTXVN

Đại sứ Việt Nam tại Canada Phạm Cao Phong, diễn giả chính tại Hội thảo, khẳng định nền tảng để mối quan hệ Việt Nam - Canada phát triển hơn nữa là hai nước cam kết duy trì hòa bình, ổn định và an ninh quốc tế; tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ) và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Về phần mình, ông Steve Rutchinski, thành viên Hiệp hội Hữu nghị Canada - Việt Nam (CVFS) đánh giá: các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Canada và Việt Nam là cơ hội tuyệt vời để thắt chặt tình hữu nghị giữa hai nước.

Năm 2023, CVFS có kế hoạch tập trung vào một số diễn đàn trực tuyến để củng cố và làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa nhân dân hai nước, hướng đến một số chủ đề, như: chiến dịch chống đói nghèo thành công của Việt Nam, các chương trình xã hội tại Việt Nam cũng như hành trình đòi lại công lý cho 40.000 người Việt Nam bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu