Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận dự án Luật đầu tư (sửa đổi)

Chia sẻ
(VOV5) - Sau khi xem xét, cân nhắc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thu hẹp lại còn 11 ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh và 326 ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện trong dự thảo Luật.

(VOV5) – Tiếp tục chương trình hội nghị đại biểu quốc hội chuyên trách, sáng 9/9, các đại biểu thảo luận về một số vấn đề của dự án Luật đầu tư (sửa đổi), đặc biệt là nội dung: Danh mục ngành nghề cấm đầu tư, kinh doanh và đầu tư, kinh doanh có điều kiện.

Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận dự án Luật đầu tư (sửa đổi) - ảnh 1
Tiếp thu, sửa đổi thủ tục đầu tư nước ngoài. Trong ảnh: Sản xuất linh kiện bán dẫn tại Công ty MTEX (Nhật Bản) - KCX Tân Thuận TPHCM. Ảnh: sggp.org.vn


Theo kết quả rà soát, hiện có 51 lĩnh vực, ngành nghề hàng hóa, dịch vụ cấm đầu tư, kinh doanh quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật và 386 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện được quy định tại 391 văn bản pháp luật. Sau khi xem xét, cân nhắc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thu hẹp lại còn 11 ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh và 326 ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện trong dự thảo Luật.

Qua thảo luận, các đại biểu đề nghị trong 11 ngành nghề cấm đầu tư, kinh doanh cần rà soát lại, cân nhắc chuyển một số ngành nghề sang danh mục kinh doanh có điều kiện. Ông Lê Đắc Lâm, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận, nêu ý kiến: “Về kinh doanh vũ khí quân dụng, trang thiết bị quân sự, khí tài phương tiện chuyên dùng của lực lượng vũ trang, cái này tôi còn phân vân. Tôi đề nghị quân trang, quân dụng nên chuyển sang ngành nghề kinh doanh có điều kiện và kiểm soát việc này vì hiện nay quân trang, quân dụng mua bán ngoài thị trường chúng ta không kiểm soát được. Thứ 2 là kinh doanh động vật biến đổi gen tôi thấy cần nghiên cứu thêm nếu được cũng chuyển sang kinh doanh có điều kiện”.

Thảo luận về dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi) chiều 9/9, các đại biểu cho rằng: Ở VN trong vài năm gần đây, doanh nghiệp xã hội đã xuất hiện với số lượng ngày một tăng và đang phát triển nhanh chóng, hoạt động trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Đại biểu Trần Du Lịch, đoàn thành phố Hồ Chí Minh đề nghị có cơ chế khuyến khích loại hình doanh nghiệp này bằng các chính sách cụ thể quy định trong Luật đầu tư, Luật thuế, chứ không cần thiết quy định doanh nghiệp xã hội trong Luật doanh nghiệp. 


Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế cho rằng: các chính sách mang tính ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích đối với doanh nghiệp xã hội nên được quy định thống nhất trong Luật đầu tư. Có ý kiến đề nghị cần làm rõ khái niệm, tiêu chí, điều kiện, thẩm quyền thành lập và các hoạt động của doanh nghiệp xã hội để tránh tình trạng lợi dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu