Luật đầu tư (sửa đổi): bãi bỏ giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

Chia sẻ
(VOV5) - Ghi nhận nỗ lực cải cách thủ tục hành chính cho nhà đầu tư, trong đó có việc bỏ cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, song một số đại biểu vẫn băn khoăn về khả năng quản lý nhà nước về vốn đầu tư

(VOV5) - Sáng 23/6, dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) được các đại biểu Quốc hội thảo luận trong phiên họp toàn thể tại Hội trường.

Luật đầu tư (sửa đổi): bãi bỏ giấy chứng nhận đăng ký đầu tư - ảnh 1
Nhà đầu tư có thể không cần Giấy chứng nhận đầu tư khi đầu tư ở Việt Nam (Ảnh minh họa)


Với 9 chương, dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) sửa 49 điều, bãi bỏ 29 điều so với luật hiện hành. Trong đó, bãi bỏ toàn bộ Chương  về đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (được quy định tại văn bản luật khác); đồng thời sửa đổi căn bản các nội dung về thủ tục thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam và hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Một điểm mới quan trọng trong dự thảo luật lần này là việc bãi bỏ yêu cầu cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với tất cả các dự án đầu tư, trừ dự án thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện. Tuy nhiên, nhà đầu tư có quyền đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư để thực hiện các thủ tục liên quan. 


Ghi nhận nỗ lực cải cách thủ tục hành chính cho nhà đầu tư, trong đó có việc bỏ cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, song một số đại biểu vẫn băn khoăn về khả năng quản lý nhà nước về vốn đầu tư, đặc biệt là dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực sự được đưa vào nền kinh tế. Ông Trần Du Lịch, đại biểu Quốc hội đoàn thành phố Hồ Chí Minh, đề nghị: "Luật đầu tư cần đưa ra chính sách ưu đãi hỗ trợ đầu tư. Ở đây tách biệt 2 phần: hỗ trợ và ưu đãi. Tôi cho rằng trọng tâm đầu tiên của luật là đi vào cái đó. Thứ 2 là quản lý 2 dòng vốn đầu tư: từ nước ngoài vào Việt Nam và từ Việt Nam ra nước ngoài.  Thứ 3 là đối với những loại hình không phải là pháp nhân, thể nhân, chúng ta phải quy định những điều kiện sử dụng nguồn lực trong nước từ đất đai, tín dụng, vốn...chặt chẽ hơn  để làm sao nguồn lực Nhà nước được phân bổ một cách tốt nhất".


Tại buổi thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội cũng cho rằng việc sửa đổi Luật đầu tư phải làm nổi bật được 3 đột phá chiến lược: đột phá về thể chế, đột phá về hạ tầng và đột phá về nguồn nhân lực. Song song với đó là cần có cơ chế mạnh mẽ để khuyến khích đầu tư trong các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao...


Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) sẽ tiếp tục được thảo luận tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII.


Theo chương trình, sáng mai, kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XIII sẽ bế mạc sau 28 ngày làm việc. Phiên bế mạc sẽ được phát thanh và truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân theo dõi./. 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu