Giữ nguyên phương án bội chi ngân sách 3,7% GDP

Chia sẻ
(VOV5) - Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị: "phải đảm bảo tối đa an toàn nợ công, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia và ổn định kinh tế vĩ mô"

Sáng 13/7, cho ý kiến về dự kiến các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch tài chính quốc gia, kế hoạch vay, trả nợ công và kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2021-2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với phương án của Chính phủ về bội chi ngân sách giai đoạn này dự kiến cao hơn giai đoạn trước là 3,7% GDP. 

Giữ nguyên phương án bội chi ngân sách 3,7% GDP - ảnh 1Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn/ TTXVN

Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng: Nội tại của nền kinh tế chưa mạnh, tăng trưởng chưa đảm bảo bền vững. Tác động của biến đổi khí hậu, mưa bão, xâm nhập mặn để lại hậu quả nặng nề. Đặc biệt, theo đánh giá, chưa thấy hết khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp và người dân đại dịch Covid-19.

Giữ nguyên phương án bội chi ngân sách 3,7% GDP - ảnh 2Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị: “Trong điều kiện năm 2021, áp lực trả nợ công rất lớn. Có những năm dự kiến vượt ngưỡng 25%. Trả nợ công chúng ta cũng đánh giá tình huống xấu nhất nếu nguồn thu không đạt. Bội chi giai đoạn này dự kiến cao hơn giai đoạn trước 3,7% GDP. Cần quan tâm có giải pháp thắt chặt chi thường xuyên để tập trung cho đầu tư. Thứ hai,  phải đảm bảo tối đa an toàn nợ công, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia và ổn định kinh tế vĩ mô.”

Cũng trong sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước gửi đến kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 15. Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị Chính phủ chỉ đạo và kiểm soát chặt việc sử dụng Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19, minh bạch thông tin về tiếp nhận và sử dụng nguồn tài trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Chính phủ cần quản lý và kiểm soát tất cả các hoạt động mua sắm và phân phối vaccine; quy định rõ việc phân cấp cho địa phương, tổ chức, doanh nghiệp trong việc tiếp cận, mua và sửa dụng vaccine; quy định rõ trách nhiệm của cơ quan chức năng trong việc kiểm soát, thẩm định chất lượng, nguồn vaccine; kiên quyết không để xảy ra tình trạng tham nhũng, lãng phí.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu