EU và Việt Nam cùng lạc quan hướng về phía trước

Chia sẻ
(VOV5) - Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) José Manuel Barroso sẽ thăm và làm việc tại Việt Nam từ ngày 25-26/8.

(VOV5) - Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) José Manuel Barroso sẽ thăm và làm việc tại Việt Nam từ ngày 25-26/8.

Đây là chuyến thăm Việt Nam lần thứ hai của ông Barroso với tư cách Chủ tịch EC, trong bối cảnh mối quan hệ giữa EU và Việt Nam đang phát triển tốt và phong phú, tạo cơ hội hợp tác mới trong nhiều lĩnh vực.

Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Bỉ, Chủ tịch Barroso cho biết: Mục đích chuyến thăm Việt Nam lần này là nhằm củng cố các kết quả đạt được, khởi động và hợp tác theo lĩnh vực, cũng như đạt tiến triển trong đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA), được khởi động từ năm 2012, mốc quan trọng thứ hai trong mối quan hệ Việt Nam-EU. Nếu hoàn tất, FTA sẽ tăng cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam, tạo nhiều ưu đãi cho hàng xuất khẩu Việt Nam sang EU, cũng như tạo cho Việt Nam nhiều triển vọng trong nền kinh tế toàn cầu.

Hiện EU là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và đứng thứ hai về đối tác thương mại song phương. Trao đổi thương mại song phương EU-Việt Nam tăng gần 20% mỗi năm, đạt 27 tỷ euro (37 tỷ USD) trong năm 2013. EC và các nước thành viên EU cũng là nhà cung cấp viện trợ không hoàn lại lớn nhất của Việt Nam. Trong giai đoạn 2014-2020, EC đã cam kết viện trợ không hoàn lại 400 triệu euro cho Việt Nam để phát triển đất nước, nhiều hơn 100 triệu so với giai đoạn 2007-2013.

 EU và Việt Nam cùng lạc quan hướng về phía trước  - ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Chủ tịch EC Jose Manuel Barroso bên lề Hội nghị cấp cao An ninh Hạt nhân lần thứ ba tại La Haye (Hà Lan), tháng 3/2014. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)

Về chính trị, ông Barroso đánh giá cao vai trò của Việt Nam như một điều phối viên trong quan hệ giữa EU và ASEAN. Theo Chủ tịch Barroso, kể từ khi Việt Nam mở cửa ra thế giới với chính sách "Đổi mới" và kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đất nước đã có một sự phát triển kinh tế ngoạn mục. Mức sống của người dân được cải thiện đáng kể. Lạm phát và tỷ giá hối đoái đạt được bình ổn là những thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, thành công này lại mở ra những thách thức mới cho Việt Nam, nước mới được xếp loại quốc gia thu nhập trung bình. Việt Nam phải thực hiện một cam kết vững chắc theo hướng công nghiệp hóa; hiện đại hóa nền kinh tế hướng tới một nền kinh tế thị trường.

Về vấn đề Biển Đông, ông Barroso khẳng định EU coi trọng hòa bình và ổn định trong khu vực. EU đang khuyến khích tất cả các bên tìm kiếm giải pháp hòa bình, thông qua đối thoại và hợp tác, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển và tiếp tục bảo đảm an toàn và tự do hàng hải. Ông Barroso cũng bày tỏ tin tưởng vào tiềm năng của Việt Nam và mối quan hệ song phương Việt Nam-EU, đồng thời hy vọng FTA EU-Việt Nam sớm được ký kết. Châu Âu và Việt Nam cùng lạc quan hướng về phía trước./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu