Đối ngoại và hội nhập quốc tế trong tình hình mới sẽ phải cao hơn về chất lượng hiệu quả

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 đã bế mạc cuối tuần qua với nhiều kết quả quan trọng. 

Trong 5 ngày làm việc, với 20 phiên thảo luận, Hội nghị nhằm đẩy nhanh việc hiện thực hóa chủ trương “Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân” mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra; đồng thời xác định những nhiệm vụ mà mà ngành ngoại giao tiếp tục đảm nhiệm trong thời gian tới với tầm nhìn đến năm 2030-2045. 

Đối ngoại và hội nhập quốc tế trong tình hình mới sẽ phải cao hơn về chất lượng hiệu quả - ảnh 1Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng.

Trả lời phỏng vấn báo chí nhân dịp này, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng khẳng định: "Hội nghị đã tạo được “thống nhất cao trong nhận thức và quyết tâm cao trong hành động”.

Tinh thần chung là: Tình hình thế giới có nhiều thay đổi; đất nước ta đang có vị thế, tiềm lực, uy tín quốc tế thuận lợi mới, đứng trước yêu cầu và mục tiêu phát triển mới đến năm 2025, 2030 và đến giữa thế kỷ này. Do đó, yêu cầu mới đặt ra cho đối ngoại và hội nhập quốc tế sẽ phải cao hơn về chất lượng hiệu quả, sâu rộng hơn về lĩnh vực và lực lượng tham gia, đồng bộ chặt chẽ hơn về phối hợp, chủ động tích cực hơn trong triển khai."

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cho rằng Hội nghị đã lan toả không khí phấn khởi, quyết tâm cao trong toàn ngành ngoại giao và các lực lượng làm đối ngoại trong cả nước. Trách nhiệm đi cùng với vinh dự, tự hào, ngành ngoại giao tiếp tục chủ động, linh hoạt ứng xử trước các chuyển biến chiến lược của môi trường quốc tế và khu vực, phục vụ lợi ích quốc gia, dân tộc.

Hội nghị ngoại giao 31 diễn ra trong năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết của Đại hội XIII và đặc biệt là ngay sau Hội nghị Đối ngoại toàn quốc lần đầu tiên được Bộ Chính trị, Ban Bí thư trực tiếp chỉ đạo tổ chức và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì. Do đó, Hội nghị lần này có ý nghĩa đặc biệt cả về nội dung và bối cảnh tổ chức, đánh dấu một giai đoạn kế thừa và phát triển mới của ngoại giao Việt Nam.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu