Tại buổi họp báo chính phủ thường kỳ tháng 11, diễn ra chiều 02/12, tại Hà Nội, một loạt nội dung liên quan đến bình ổn thị trường, tạo điều kiện phát triển kinh doanh, được lãnh đạo các Bộ, ngành trả lời báo chí. Tất cả các biện pháp này nhằm tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển ổn định trong thời gian tới.
Lãnh đạo VPCP và một số bộ ngành chủ trì buổi họp báo.- Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Một trong những vấn đề được truyền thông quan tâm là bình ổn giá dịp cuối năm, chuẩn bị nguồn cung thịt lợn, mặt hàng thực phẩm thiết yếu phục vụ người tiêu dùng, sau dịch tả lợn châu Phi.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết từ tháng 6/2019 đến nay, dịch bệnh đã giảm mạnh, đến 88%. Nhiều địa phương đã tái đàn có kết quả tốt: "Sắp tới, có 6 giải pháp, trong đó tập trung cao độ vào phòng chống dịch bệnh, tái đàn ở các doanh nghiệp lớn, trang trại, gia trại, nếu cam kết đảm bảo các điều kiện cần thiết. Nhân nhanh các mô hình an toàn sinh học, đẩy mạnh chăn nuôi gia súc ăn cỏ, gia cầm; không cho lợn và sản phẩm từ lợn nhập lậu qua biên giới vào Việt Nam."Một lĩnh vực khác cũng tác động đến phát triển kinh tế Việt Nam nói chung, ngành công nghiệp Việt Nam nói riêng là phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ công thương Đỗ Thắng Hải cho biết để duy trì phát triển ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, tạo thị trường cho ngành công nghiệp ô tô phát triển, Việt Nam sẽ tập trung vào một số giải pháp: " Một là phải bảo vệ tạo dựng và phát triển thị trường cho ngành ô tô trong nước thông qua các hàng rào kỹ thuật phù hợp với cam kết quốc tế. Có chính sách kích cầu tiêu dùng ô tô thông qua việc quy hoạch hợp lý hệ thống hạ tầng giao thông, khuyến phúc, khuyến khích tín dụng để tiêu dùng sản phẩm ô tô. Nắm bắt và đề xuất sửa đổi, bổ sung một số các quy định liên quan đến thuế phí nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh thu hẹp khoảng cách về chi phí sản xuất giữa ô tô trong nước và ô tô nhập khẩu từ khu vực. Có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, các dự án có quy mô lớn tại Việt Nam nhưng tập trung vào các thương hiệu và dòng xe chưa có tại khu vực ASEAN nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi sản xuất ô tô và hướng tới thị trường xuất khẩu trong khu vực."
Dự kiến, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ nghị định sửa đổi, bổ sung về chính sách đối với ô tô, trong đó có nội dung quan trọng là phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là ngành công nghiệp hỗ trợ đối với ô tô.