Cấp cứu bệnh nhân tại châu Âu. - Nguồn: AP |
Tính đến 22h tối 26/3 (theo giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn thế giới là hơn 492.443 người, trong khi số ca tử vong là 22.180 người. Đại dịch COVID-19 hiện đã lan tới 198 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu. Trên thế giới đã có 119.732 trường hợp phục hồi sức khỏe.
Trước đó ít giờ, Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã diễn ra nhằm thảo luận về cách ứng phó COVID-19 - dịch bệnh đang đẩy thế giới vào nguy cơ suy thoái. Đây là hội nghị thượng đỉnh trực tuyến đầu tiên trong lịch sử của G20.
Trong ngày 26/3, Văn phòng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại khu vực châu Âu cho biết cơ quan này đã nhận thấy "những tín hiệu đáng khích lệ" trong bối cảnh tỉ lệ các ca nhiễm mới tại Italy đã giảm xuống. Nhận định trên của WHO được đưa ra sau khi Cơ quan Bảo vệ dân sự Italy cho biết nước này đã điều trị thành công cho 9.362 ca trong ngày 24/3, tăng 1.036 ca so với một ngày trước đó. Nhiều quốc gia trong khu vực đã ban bố các biện pháp mạnh mẽ nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, trong đó bao gồm cả việc đóng cửa các đường biên giới, phong tỏa các thành phố, tạm đình chỉ các hoạt động sản xuất và kinh doanh hay thực hiện dãn cách xã hội...
Tại châu Á, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) tiếp tục không ghi nhận thêm ca lây nhiễm mới nào ở Trung Quốc đại lục. Còn tại Hàn Quốc, số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh cũng đã lên tới trên 40%, trong khi nước này duy trì số ca nhiễm mới ở mức dưới 100 người trong 15 ngày liên tiếp.
Trong khi đó, số liệu do trường Đại học Johns Hopkins công bố ngày 26/3 cho thấy Mỹ đã vượt qua Italy và Trung Quốc trở thành quốc gia đứng đầu thế giới với 82.404 số ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó hơn 1.100 người tử vong. Cho tới nay, chính quyền Mỹ cũng đã thực hiện một loạt các biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh cũng như đưa ra các 3 dự luật nhằm hỗ trợ người dân, các doanh nghiệp và các ngành công nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề.