Chuyến thăm Trung Quốc và dự Hội nghị WEF Thiên Tân của Thủ tướng Phạm Minh Chính có ý nghĩa quan trọng

Bích Thuận, VOV - Trung Quốc
Chia sẻ
(VOV5) - Với chủ đề “Tinh thần kinh doanh: Động lực của kinh tế toàn cầu”, Hội nghị gồm hơn 100 phiên họp, tập trung vào 6 nội dung chính.

Nhận lời mời của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Klaus Schwab, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ thăm chính thức Trung Quốc và dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của WEF từ 25/6 - 28/6/2023.

Chuyến thăm Trung Quốc và dự Hội nghị WEF Thiên Tân của Thủ tướng Phạm Minh Chính có ý nghĩa quan trọng - ảnh 1Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ thăm chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của WEF từ ngày 25-28/6. Ảnh: chinhphu.vn

Trao đổi với phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam trước chuyến thăm, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai khẳng định chuyến thăm lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác, kiểm soát bất đồng, đưa quan hệ Việt - Trung ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất: “Trong bối cảnh tình hình quan hệ quốc tế diễn biến phức tạp, khó lường, kinh tế thế giới suy thoái nghiêm trọng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, chuyến thăm lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng, là cơ hội để Lãnh đạo cấp cao hai nước đi sâu trao đổi các biện pháp nhằm triển khai toàn diện kết quả và nhận thức chung đạt được trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nỗ lực thúc đẩy các lĩnh vực và hợp tác cùng có lợi, kiểm soát tốt các bất đồng, góp phần đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất”.

Về Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Thiên Tân, Đại sứ cho biết đây là Hội nghị do Diễn đàn Kinh tế thế giới phối hợp với Chính phủ Trung Quốc tổ chức, có quy mô lớn thứ hai sau Hội nghị của diễn đàn tại thành phố Davos, Thụy Sĩ. Với chủ đề “Tinh thần kinh doanh: Động lực của kinh tế toàn cầu”, Hội nghị gồm hơn 100 phiên họp, tập trung vào 6 nội dung chính gồm điều chỉnh tăng trưởng, chuyển đổi năng lượng và nguyên liệu, bảo vệ thiên nhiên và khí hậu, tiêu dùng sau đại dịch, Trung Quốc trong bối cảnh toàn cầu và ứng dụng đổi mới sáng tạo.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu