Các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình biển Đông

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Nhiều đại diện các tổ chức phi chính phủ nước ngoài cũng bày tỏ đồng tình với cách ứng xử của Việt Nam hiện nay trước những hành vi của Trung Quốc.
(VOV5) - Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép trong vùng biển Việt Nam tiếp tục gây ra những phản ứng mạnh mẽ trong cộng đồng quốc tế. Tại cuộc gặp nhằm chia sẻ những thông tin và diễn tiến gần đây tại Biển Đông, do Liên hiệp  các tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức sáng 13/5, tại Hà Nội, nhiều cá nhân, tổ chức quốc tế, đại diện các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam, đều bày tỏ sự ủng hộ Việt Nam, ủng hộ lập trường kiên quyết bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Những lập luận của các diễn giả Việt Nam đưa ra dựa trên các điều khoản của Hiến chương Liên Hợp Quốc, Công ước Quốc tế về Luật Biển năm 1982 và nhiều văn bản pháp lý liên quan khác, đã khẳng định Trung Quốc đã vi phạm trắng trợn các quy định của luật pháp quốc, cụ thể là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông, đi ngược lại nội dung thỏa thuận cấp cao giữa hai nước. Hành động xâm phạm này đã ảnh hưởng tiêu cực đến sự tin cậy chính trị và các mặt hợp tác giữa hai nước, làm tổn thương tình cảm của nhân dân Việt Nam, làm cho dư luận Việt Nam cũng như khu vực và thế giới lo ngại, tác động sâu sắc đến môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.


Các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình biển Đông - ảnh 1

Sau khi các thông tin cung cấp từ các diễn giả, các cá nhân, tổ chức quốc tế, đại diện các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam, đánh giá cao những thông tin của các diễn giả Việt Nam. Bà Kim Young Shin, Phó Giám đốc Trung tâm giao lưu văn hóa Việt Nam-Hàn Quốc cho biết: “Người dân Hàn Quốc chúng tôi hoàn toàn chia sẻ những tình cảm với nhân dân Việt Nam. Thông qua buổi hôm nay, những người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam như chúng tôi có thêm thông tin về những diễn biến thực tế đang diễn ra. Hiện Việt Nam đang tích cực kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Đây là biện pháp ngoại giao quan trọng tuy nhiên để việc này hiệu quả hơn nữa, tôi cho rằng Việt Nam nên lập ra 1 website bằng nhiều thứ tiếng, tập hợp ý kiến của cả người Việt Nam và nước ngoài. Nếu có thể phổ biến những thông tin này thì điều này sẽ tạo thuận lợi rất lớn cho Việt Nam tuyên truyền ra công luận quốc tế”.

Bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền trên mặt trận ngoại giao, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam, ông Greig Craft, nguyên Chủ tịch Quỹ phòng chống thương vong Châu Á, lại cho rằng Việt Nam không loại trừ khả năng đưa vụ việc lên Hội đồng bảo an Liên hợp quốc: “Tôi cho rằng đây chắc chắn là một bước đi quan trọng và có tính hiệu quả bởi vì Liên hợp quốc là một tổ chức có số lượng thành viên các quốc gia đông đảo và khi Việt Nam lên tiếng sẽ nhận được sự quan tâm chú ý của nhiều quốc gia. Khi một nước có những hành động gây hấn ở bên ngoài biên giới của mình thì chắc chắn sẽ nhận được những phản ứng đáp trả”.

Nhiều đại diện các tổ chức phi chính phủ nước ngoài cũng bày tỏ đồng tình với cách ứng xử của Việt Nam hiện nay trước những hành vi của Trung Quốc. Bà Elizabeth, thuộc Tổ chức phi chính phủ của Australia tại Việt Nam, cho rằng: “Cộng đồng quốc tế đều khẳng định các bên liên quan cần phải sử dụng các biện pháp ngoại giao để giải quyết tình hình phức tạp hiện nay. Và tôi cho rằng, Việt Nam đang có cách giải quyết phù hợp, thông qua các kênh ngoại giao với ASEAN. Tôi nghĩ rằng, với tư cách là một tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam, tôi ủng hộ cách làm này của Việt Nam”.

Thông cáo chung của các tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam bày tỏ sự quan ngại sâu sắc đến việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 ở vùng biển Việt Nam, kêu gọi các bên liên quan kiên trì thúc đẩy đàm phán trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu