(VOV5) - Trong thành công của Hội nghị Paris, dẫn đến việc ký kết Hiệp định Paris ngày 27-1- 1973, bên cạnh nghệ thuật đàm phán của Việt Nam còn có sự ủng hộ to lớn của người dân yêu chuộng hoà bình trên thế giới.
|
Bè bạn quốc tế tập trung bên ngoài Trung tâm Hội nghị quốc tế Kléber, thủ đô Paris (Pháp) khi hai đoàn VNDCCH và CPCMLT CHMNVN vào họp |
Bấm để nghe âm thanh:
“Tôi vẫn nhớ mãi những người “đồng chí” Việt Nam, nhớ mãi những chặng đường tôi đã cùng họ đi qua trong những năm tháng gắn bó với đoàn”. Đã hơn 40 năm, nhưng ông Michel Strachinescu vẫn nhớ những câu chuyện, những kỷ niệm của ông với những người bạn Việt Nam trong phái đoàn Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam hoạt động tại Pháp ngày đó. Trong suốt 4 năm làm lái xe cho đoàn đàm phán Việt Nam, hàng ngày ông cùng các thành viên trong đoàn trải qua những khó khăn, chia sẻ những cảm xúc mà như ông nói “tôi đã trải qua vui, buồn cùng với các bạn, như một người Việt Nam thực sự”. Và như vậy, dân tộc Việt Nam lại có thêm một người bạn thầm ủng hộ trong những ngày tháng đấu tranh chính trị cam go nơi đất khách quê người.
|
Ông Michel Strachinescu |
Dấu ấn ngày 27/01/1973, ngày Hiệp định Paris được ký kết được ông Michel Strachinescu hồi tưởng: “Ngày 27/01/1973 là một ngày chúng tôi tràn ngập cảm xúc như những người đồng chí Việt Nam. Việt Nam, một đất nước nhỏ bé đã buộc đế quốc lớn nhất là Mỹ phải quỳ gối khuất phục. Chủ tịch Hồ Chí Minh, đối với tôi, là ánh sáng cho nhân dân trên toàn thế giới. Tôi nhớ khoảng khắc 40 năm về trước, chúng tôi đã reo hò và cùng ăn mừng thắng lợi với các bạn. Nhưng cũng chính lúc đó, ai cũng biết rằng cuộc đấu tranh sẽ còn chưa chấm dứt. Và thực tế là sau đó còn một giai đoạn đấu tranh tiếp tục gian khổ.”
Một trong những nét độc đáo nhất và cũng là một nét đẹp của tình hữu nghị của phong trào nhân dân thế giới đoàn kết, ủng hộ Việt Nam chính là sự tập hợp rộng rãi và đa dạng các lực lượng chính trị và quần chúng nhân dân các nước châu Âu nói riêng và thế giới nói chung. Với nhiều người thuộc “thế hệ Việt Nam”, việc tham gia biểu tình và tổ chức các phong trào lên án cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Việt Nam là “cuộc dấn thân chính trị đầu tiên”. Tham gia biểu tình chống chiến tranh Việt Nam khi vừa tròn 16 tuổi, nhà sử học Pháp Alain Russio nhớ lại: “Khi tôi còn trẻ, lúc đó Mỹ tiến hành cuộc xâm lược Việt Nam. Lúc đó rất nhiều người trẻ tuổi như tôi trên thế giới đã phản đối cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam và đứng về phía Việt Nam. Tôi cũng như họ là người bảo vệ lẽ phải. Tôi đã tham gia vào các cuộc biểu tình chống chiến tranh Việt Nam, sau đó tham gia vào Đảng Cộng sản Pháp. Và từ đó tôi có cơ hội gặp những người anh, người chị là những người cộng sản, người bạn lớn của Việt Nam như Charles Fourniau, Henri Martin, Raymonde Dien, Madelein Riffaud, Raymon Aubrac.”
|
Bà Madeleine Riffaud |
Trong quá trình đàm phán Hiệp định Paris, sự ủng hộ của báo chí quốc tế cũng góp phần không nhỏ vào việc dấy lên làn sóng phản đối chiến tranh Việt Nam trên toàn thế giới. Madeleine Riffaud là nhà báo quốc tế đã quay được những thước phim quý trong những ngày Mỹ cho máy bay B52 ném bom Hà Nội và Hải Phòng năm 1972. Những thước phim này đã tố cáo cuộc chiến phi nghĩa của Mỹ và giúp Việt Nam tranh thủ được sự ủng hộ của dư luận thế giới cũng như có thêm ưu thế trên bàn đàm phán về Hiệp định Paris. Bà Madeleine Riffaud cho biết: “Đó là một sự kiện lớn trong đời tôi. Tôi là nhà báo quốc tế duy nhất ở cùng quân đội và nhân dân Việt Nam. Ngay sau đó tôi đã trở lại Paris và công bố những thước phim của mình trên các kênh truyền thông đại chúng thế giới. Những thước phim này cho thấy dù gian khổ thế nào, người Việt Nam cũng không chùn bước, vẫn sẽ tiếp tục đấu tranh cho đến ngày giành độc lập.”
|
Nhà làm phim Daniel Roussel
|
Hiệp định Paris cũng chính là một câu chuyện kỳ diệu về hành trình tìm lại hòa bình, vì lẽ đó đã thôi thúc nhà làm phim người Pháp Daniel Roussel làm bộ phim tài liệu mà ông dự định đặt tên là “Hiệp định Paris”. Nhà làm phim Daniel Roussell chia sẻ: “Tôi muốn chỉ ra rằng khát vọng hòa bình đã chiến thắng thế nào. Hiệp định Paris ký ngày 27/1/1973 là một câu chuyện thần kỳ, là kết quả của một quá trình thương lượng đối mặt giữa 4 bên trong gần 5 năm. Câu chuyện ấy còn kỳ diệu ở tình đoàn kết giữa đoàn miền Bắc với người dân ở Choisy Le Roi, hoặc ở gần đó; những người đã đón tiếp đoàn trong những bữa cơm gia đình; ở tình cảm của những người bạn Pháp, người phục vụ đoàn, người lái xe, người bảo vệ, đội y tế… Đó là những thời điểm kỳ lạ, đó là hàng trăm người trong 5 năm đã giúp đỡ đoàn miền Bắc, miền Nam, như một gia đình thực sự.”
Cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam giai đoạn này đã vượt lên trở thành tiếng nói của chính nghĩa, vì lương tri, phẩm giá của con người, có giá trị thức tỉnh nhân loại tiến bộ. Vì thế, chưa ở đâu và chưa bao giờ trong lịch sử thế giới, phong trào đoàn kết quốc tế vì một quốc gia lại có sức mạnh như thế. Và với Việt Nam, sự ủng hộ của những người bạn quốc tế luôn là nguồn động viên, khích lệ quý giá trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước./.