Ai cũng được 'thụ hưởng' thành quả của đổi mới và phát triển

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng trên con tàu tăng trưởng Việt Nam hướng tới chân trời mới, với cơ đồ mới về một nước Việt Nam hùng cường.

Trong suốt nhiệm kỳ vừa qua, con tàu Việt Nam đã phải vượt qua hải trình dồn dập bão tố của biết bao khó khăn, thách thức lớn hơn, vượt xa hơn so với những dự tính đầu nhiệm kỳ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định như vậy trong phần mở đầu báo cáo tổng kết Công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Chính phủ, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIV, sáng 24/3, tại Hà Nội.

Ai cũng được 'thụ hưởng' thành quả của đổi mới và phát triển - ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo tại Quốc hội. Ảnh: VGP

Thủ tướng cho biết giai đoạn 2016 - 2020, lãnh đạo Chính phủ đã thực hiện 570 chuyến công tác "lên rừng, xuống biển" để làm việc với địa phương, chỉ đạo cụ thể, kịp thời tháo gỡ nhiều vấn đề cấp bách.

Ai cũng được 'thụ hưởng' thành quả của đổi mới và phát triển - ảnh 2Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu tham dự phiên họp.  Ảnh: cand.com.vn

Điểm lại những thành tựu nổi bật của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Chính phủ chú trọng xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo đột phá phát triển. Đặc biệt, Việt Nam đã thành công trong phòng chống đại dịch COVID-19. Đánh giá về nguyên nhân những thành tựu nổi bật của nhiệm kỳ, Thủ tướng sử dụng từ khóa "đột phá" để nhấn mạnh những điểm nổi bật trong ưu tiên chỉ đạo điều hành:

“Đột phá quan trọng, mở đường là đột phá về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh do Chính phủ đề xuất đã tập trung vào các ưu tiên và tập trung nguồn lực cho thực hiện, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, hội nhập của hệ thống pháp luật. Đột phá về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực với việc Chính phủ luôn nỗ lực tháo gỡ bằng nhiều biện pháp, với đầu tư nâng cao chất lượng nhân lực, giải quyết việc làm cho gần 8 triệu lao động, coi con người là trung tâm của sáng tạo. Đột phá về kết cấu hạ tầng đồng bộ mang tính “dẫn dắt” cho thu hút đầu tư, phát triển của các ngành, lĩnh vực, nâng cao chất lượng tăng trưởng”.

Về mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, Thủ tướng nhấn mạnh những con số tích cực khi nợ công giảm từ khoảng 64,5% GDP vào đầu nhiệm kỳ xuống còn 55,3% GDP và được cơ cấu lại bền vững, an toàn hơn: “Có thể tự tin cho rằng tích lũy thu nhập cũng như những cải thiện đáng kể về không gian tài khóa, nhất là trong 4 năm tăng trưởng cao 2016 - 2019, chính là “của để dành” góp phần quan trọng giúp nền kinh tế và người dân  vượt qua khó khăn vừa qua của dịch COVID-19. Theo nhiều tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế, xếp hạng của Việt Nam ngày càng được nâng lên, cho thấy nền tảng vĩ mô của Việt Nam là khá chắc chắn và tiếp tục được cải thiện ngay cả trong dịch COVID-19”.

Theo Thủ tướng, Chính phủ cũng đã triển khai đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các giải pháp chính trị, ngoại giao, pháp lý, truyền thông nhằm kiên trì, kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo bằng các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế; đã ký hoàn thành phân giới cắm mốc 84% biên giới với Campuchia. Hoạt động ngoại giao văn hoá, thông tin đối ngoại, công tác người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân được triển khai tích cực, dù trong diễn biến phức tạp của dịch COVID -19.

Đánh giá về tương lai, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng trên con tàu tăng trưởng Việt Nam hướng tới chân trời mới, với cơ đồ mới về một nước Việt Nam hùng cường vào giữa thế kỷ XXI sẽ có mặt đủ mọi thành phần, từ công nông đến trí thức, doanh nhân, người dân, không ai bị bỏ lại phía sau và ai ai cũng được 'thụ hưởng' thành quả của đổi mới và phát triển".

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu