Điện Biên Phủ trên không - 9 phút lịch sử

Vĩnh Trà
Chia sẻ
(VOV5) - Mùa Đông năm 1972, chiến tranh bằng B52 của không lực Hoa Kỳ hòng hủy diệt Hà Nội trong 12 ngày đêm đã khiến Nhà máy phát Mễ Trì sóng 297m– tần số 1010 Khz, Đài TNVN bị đứt quãng 9 phút. Thế nhưng, sau 9 phút lịch sử ấy, Tiếng nói Việt Nam lại vang lên, làm thất bại dã tâm của địch. Nhân kỷ niệm 40 năm chiến thắng Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không, Đài TNVN xin giới thiệu bài viết “Điện Biên Phủ trên không- 9 phút lịch sử” của tác giả Vĩnh Trà-nguyên phóng viên Đài TNVN.

(VOV5) - Mùa Đông năm 1972, chiến tranh bằng B52 của không lực Hoa Kỳ hòng hủy diệt Hà Nội trong 12 ngày đêm đã khiến Nhà máy phát Mễ Trì sóng 297m– tần số 1010 Khz, Đài TNVN bị đứt quãng 9 phút. Thế nhưng, sau 9 phút lịch sử ấy, Tiếng nói Việt Nam lại vang lên, làm thất bại dã tâm của địch. Nhân kỷ niệm 40 năm chiến thắng Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không, Đài TNVN xin giới thiệu bài viết “Điện Biên Phủ trên không- 9 phút lịch sửcủa tác giả Vĩnh Trà-nguyên phóng viên Đài TNVN.

Trái tim nhân dân cả nước như ngừng đập khi B52 đánh bom vào Thủ đô, nhà máy B bị sập hoàn toàn, đài phát thanh ngừng sóng…

Đêm 18/12/1972

Một đợt gió mùa đông bắc nữa tràn về.

Hà Nội chìm trong giá lạnh, nhưng người Thủ đô nóng ran bởi tiếng còi báo động đặt trên nóc Nhà hát lớn, Hội trường Ba Đình, ga Hàng Cỏ. Tiếng loa truyền thanh khắp các ngả phố liên tục truyền lệnh “sơ tán triệt để”, các lực lượng phòng không, dân quân tự vệ sẵn sàng chiến đấu.

Bà con giáo dân làng Mễ Trì không đến nhà thờ mà ngồi nhà, trước tượng chúa cầu cho con dân qua nạn máu chảy đầu rơi.

Đêm đi vào chiều sâu theo cơn gió lạnh hút vào ngõ xóm.

Mắt người nặng trĩu lo âu sập xuống theo cơn ngủ chập chờn. Riêng tổ trực ca của Đài Phát sóng phát thanh Mễ Trì mắt ráo hoảnh, tai lắng nghe mọi âm thanh trên mặt đất, trong không gian.

Thêm một đêm cuối tháng 12 nghiệt ngã trôi qua mùa đông giá rét Hà Nội.

Như lệ thường, 5 giờ kém 5 phút, khúc nhạc “Chiến thắng Điện Biên Phủ” hùng tráng của Đài Phát thanh Quốc gia vang khắp bầu trời báo hiệu bình minh lên của mỗi ngày.

5 giờ 5 phút, buổi phát thanh tin tức đầu ngày của Đài TNVN đang giới thiệu chương trình trên các làn sóng 297m, 31m, 41m, 49m và 63m thì bom hủy diệt của máy bay B 52 không lực Hoa Kỳ ào ạt dội xuống.



Điện Biên Phủ trên không - 9 phút lịch sử - ảnh 1

Cột phát sóng của Đài phát thanh Mễ Trì (Ảnh: internet)


Cả Mễ Trì chìm trong khói lửa
.

Nhà máy B bị sập hoàn toàn, hai đường giây fi-đơ bị đứt, một đồng chí công nhân tự vệ hy sinh, nhiều công nhân trực ca bị thương. Sóng chủ lực quốc gia 297m bị mất.


Ông Nguyễn Văn Sinh, Trưởng đài Phát sóng Phát thanh Mễ Trì báo cáo ngắn gọn lên cấp trên như vậy.

Lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam lệnh cho các đài dự phòng phát sóng. Đài Mễ Trì thực hiện ngay sơ tán triệt để. Lập tức đài CK2 lên sóng, thay thế toàn bộ sóng của đài Mễ Trì, đồng thời phát sóng gốc cho các đài khác trong hệ thống dự phòng theo “kế hoạch 99” bảo đảm làn sóng phát thanh liên tục trong mọi tình huống.

Điện Biên Phủ trên không - 9 phút lịch sử - ảnh 2

Máy bay của Không quân Hoa Kỳ tàn phá Hà Nội (Ảnh: internet)


Sóng 297m thân quen của Đài Tiếng nói Việt Nam bị ngưng 9 phút.

9 phút bóp nghẹt triệu triệu con tim dân Việt. 9 phút làm xao xuyến bạn bè khắp năm châu nín thở hướng về Việt Nam đang đối đầu với kẻ thù mạnh và hiện đại gấp nhiều lần.

Sau 9 phút, làn sóng 297m phát trở lại, truyền đi bản tin chiến thắng của quân dân Hà Nội bắn rơi máy bay B52 của Mỹ, bắt sống giặc lái.

Sau 9 phút ấy, Bộ Biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam liên tục nhận được điện, thư từ chiến trường miền Nam gửi ra, kiều bào gửi về, bạn bè năm châu gửi đến chia sẻ, ngợi ca.

Trong hồi ký thấm đẫm tình yêu thương, bà Nguyễn Thị Định - Phó Tư lệnh các lực lượng vũ trang Giải phóng miền Nam Việt Nam viết: “Sáng ngày 19/12, tôi đang theo dõi buổi phát thanh của đài, bỗng thấy đài ngừng tiếng nói. Tôi cảm thấy tim mình như ngừng đập, lòng xao xuyến hướng về Thủ đô…Tôi lo lắm… Chúng đánh đài phát thanh rồi. Không biết Hà Nội ra sao? Ta có bảo vệ được Thủ đô Hà Nội hay không? Nhưng đúng 9 phút sau, Tiếng nói Việt Nam lại cất lên dõng dạc, đàng hoàng làm tôi mừng khôn xiết…”

Hay tin dữ Đài Phát sóng Mễ Trì bị hủy diệt, khu tập thể gia đình phóng viên, biên tập, phát thanh viên, nghệ sỹ, công nhân viên chức đài Tiếng nói Việt Nam ở 128C Đại La bị bom Mỹ tàn phá, cả trăm hộ gia đình mất nhà cửa, bà con nông dân Gia Lộc, Hải Dương đã lên gặp Tổng biên tập Trần Lâm đề nghị được dựng lại 20 nhà tranh tre nứa lá đủ chỗ ở tạm thời, chờ nhà nước xây nhà cao tầng.

Hai mươi Hợp tác xã làm 20 ngôi nhà với trăm gian trong thời gian ngắn. Ngày liên hoan mừng thắng lợi bà con mang gạo, cá, lợn, gà, rau quả từ quê lên Hà Nội góp vui. Đài chỉ lo tiền mua gia vị.

Nghe ông Trần Lâm báo cáo lại, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng vui vẻ: “Thế mới đúng phương châm của Bác Hồ vẫn dạy: Tự lực cánh sinh là chính, dựa vào sức dân, không ỷ lại Nhà nước.”

Sáng ngày 19/5/2002, tôi có chuyến đi công tác Hoa Kỳ, có mặt tại NewYork, trong căn hộ cao tầng 145, phố W. của luật sư Micheal Dolinger. Tình cờ tôi được gặp và ăn sáng cùng ông bà John Hess. Ông là nhà báo lão thành từng xông pha trên mặt báo NewYork Time, từng có mặt tại hội nghị Paris năm 1972 – 1973 với nhiều bài báo nổi tiếng ủng hộ Việt Nam. Ông tặng tôi cuốn sách còn nóng hổi về sự kiện 11/9/2001 làm chao đảo nước Mỹ, cả thế giới kinh hoàng. Từ trên ban công, nhìn về phía tòa nhà “Tháp đôi” cách không xa, chỉ còn là bãi đổ nát, ông Jonh chậm rãi: “Chứng kiến nỗi kinh hoàng của hủy diệt trên đất Mỹ, tôi càng thấm hiểu những gì mà các bạn phải chịu đựng trong 12 ngày đêm tháng 12 năm 72 ở Khâm Thiên, Hà Nội. Khủng khiếp quá.”

Hồi ấy, ông đã có bài báo viết về sự hổ thẹn lương tâm của người Mỹ trước những gì mà chính quyền của họ gây ra cho Việt Nam. Nhưng ông chưa cắt nghĩa hết, chưa giải mã đến tại cùng câu hỏi lớn: Vì sao Việt Nam chiến thắng? Vì lẽ gì mà Hà Nội vẫn sống hiên ngang trong bom đạn hủy diệt qua 12 ngày đêm đảo lộn đất trời ấy?

Tôi không trả lời từng câu hỏi, mà chậm rải kể cho ông nghe những anh chị phóng viên đài chúng tôi buộc chặt máy ghi âm R5 sau xe đạp “cà tàng” từ 58 Quán Sứ lao về phố Khâm Thiên khét lẹt khói bom thu cho được tiếng thét hờn căm, tiếng hô “quyết đánh, quyết thắng” rồi chạy về khu tập thể của Đài xem ai còn, ai mất, để rồi đi tiếp xuống nhà máy dệt “Tám tháng Ba”, Bệnh viện Bạch Mai chỉ còn lại ngổn ngang đất đá. Để tối ngày trên bản tin chính của đài quốc gia có phóng sự nóng hổi về tội ác kẻ thù và sức sống bất diệt của quân dân Hà Nội.

Tôi nói về bài tùy bút nổi tiếng: “Đây Tiếng nói Việt Nam” của nhà báo, nhà văn Lưu Quý Kỳ, phát ngay trên làn sóng tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Nhật và nhiều thứ ngữ khác của Đài Phát thanh Quốc gia, sau khi đài phát sóng Mễ Trì bị đánh sập. John chớp chớp mắt, đôi lông mày đã bạc trắng nhíu lại: “Tôi có nghe bài tùy bút ấy qua chương trình tiếng Anh của các bạn. Xúc động đến rợn người.”

Tôi kể tiếp cho ông hay: bà Bạch Vân, phát thanh viên tiếng Nhật kỳ cựu của Đài Tiếng nói Việt Nam đã đọc bài tùy bút ấy cho thính giả người Nhật Bản nghe, xúc động đến mức lượng thư, tin gửi về tăng bội phần.

Tuần lễ sau, lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam nhận được bức điện của ông Kutemura - Chủ tịch Công đoàn Truyền thanh dân gian của Nhật Bản cho biết ông đã cho ghi âm bài tùy bút gửi cho hơn 200 tổ nghe đài khắp nước Nhật. Công đoàn này đã nhanh chóng quyên góp được 5 triệu yên Nhật gửi sang ngay góp phần khôi phục lại những cơ sở của Đài bị B52 Mỹ hủy diệt. Nhà báo già John Hess xiết chặt tay tôi, giọng buồn: “Chúng tôi thật có lỗi. Thật xấu hổ”.

Như muốn làm nóng lên không khí gặp gỡ đầu ngày, nhà văn, nhà báo Laydy Borton nhắc lại ca khúc “Hà Nội Điện Biên Phủ” của nhạc sỹ Phạm Tuyên. Đôi lông mày rậm, bác phếch của nhà báo già rướn lên như muốn hỏi. Tôi kể rằng: Ngày ấy Đài chúng tôi chia làm hai nửa. Những chị em có con nhỏ lên địa điểm sơ tán cách Hà Nội khoảng 40 cây số lo biên tập, sản xuất chương trình. Bộ phận xung kích bám giữ Hà Nội, phản ứng nhanh kịp đưa tin, phóng sự, bình luận lên sóng ngay. Ngày ấy, nhà báo cũng là chiến sỹ đồng hành cùng Hà Nội đánh trả quyết liệt giặc trời Hoa Kỳ. Nhạc sỹ Phạm Tuyên ở trong lực lượng xung kích ấy.

Trong căn hầm hẹp, sâu bên gốc cây muỗm già ở trụ sở Đài Tiếng nói Việt Nam (58 Quán Sứ), dưới tiếng gầm rít của máy bay, bom dội, nhạc sỹ đã sáng tác nhạc phẩm ấy.

Ngay sau đó, các ca sỹ Đoàn ca nhạc của Đài đã thể hiện trên sóng phát thanh. Vậy là trên bầu trời đông giá lạnh của Hà Nội lại vang lên khúc ca mới, nóng hổi, hào hùng. Hà Nội chiến thắng. Việt Nam chiến thắng như một “Điện Biên Phủ trên không”.


Điện Biên Phủ trên không - 9 phút lịch sử - ảnh 3
Bệnh viện Bạch Mai bị tàn phá


Còn chuyện này, bây giờ tôi mới kể: Sóng 297m là bước sóng của tần số 1010 KhZ. Đây là tần số mạnh của đài phát sóng Mễ Trì. Kỹ sư, công nhân nhà máy lấy tần số để kỷ niệm ngày giải phóng Thủ đô 10/10 và cũng là hướng tới 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội – 1010. Cho nên, khi nhà máy phát Mễ Trì bị bom thù hủy diệt, sóng 297m– tần số 1010 Khz bị đứt quãng 9 phút, hơn ai hết, lòng người thợ phát thanh đau như đứt ra từng quãng.

Chiến tranh bằng B52 của không lực Hoa Kỳ hòng hủy diệt Hà Nội trong 12 ngày đêm đã đánh vào lòng tự trọng thiêng liêng của một dân tộc, đánh vào niềm tin của con dân Việt ước vọng ngày mai: hòa bình, hạnh phúc.

Nếu bây giờ, qua nửa vòng trái đất có gặp lại nhà báo già, tóc bạc phơ John Hess bên bờ sông Hồng, sông Bến Hải hay dòng Potomac, tôi sẽ nói với ông rằng: 9 phút ngưng sóng Đài Tiếng nói Việt Nam sáng 19/12/1972 đã đi vào lịch sử, cùng Hà Nội làm nên lịch sử “Điên Biên Phủ trên không” mà cội nguốn sức sống bất diệt của nó là niềm tin, là hy vọng. Bởi Tiếng nói Việt Nam là tiếng nói trái tim./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu