Cựu chuyên gia quân sự Nga nói về 12 ngày đêm lịch sử

Điệp Anh, phóng viên thường trú Đài TNVN tại Liên
Chia sẻ
(VOV5)- Có mặt tại Việt Nam từ năm 1970 đến năm 1971 với nhiệm vụ phó trưởng đoàn chuyên gia phòng không, phụ trách công tác chính trị trong đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô, Thiếu tướng A-na-tô-li Pô-zơ-đê-ev đã từng biết, từng chứng kiến khá nhiều điều mà đến bây giờ ông vẫn không thể quên, và sâu nặng hơn, ông không thể “tha thứ” cho những kẻ đã gieo bom đạn lên mảnh đất yêu hòa bình Việt Nam. Trong những ngày kỷ niệm lịch sử này, Thiếu tướng Pô-zơ-đê-ev chia sẻ cùng phóng viên Đài TNVN thường trú tại LB Nga những ký ức ấy.

(VOV5)- Có mặt tại Việt Nam từ năm 1970 đến năm 1971 với nhiệm vụ phó trưởng đoàn chuyên gia phòng không, phụ trách công tác chính trị trong đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô, Thiếu tướng A-na-tô-li Pô-zơ-đê-ev đã từng biết, từng chứng kiến khá nhiều điều mà đến bây giờ ông vẫn không thể quên, và sâu nặng hơn, ông không thể “tha thứ” cho những kẻ đã gieo bom đạn lên mảnh đất yêu hòa bình Việt Nam. Trong những ngày kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không lịch sử này, Thiếu tướng Pô-zơ-đê-ev chia sẻ cùng phóng viên Đài TNVN thường trú tại LB Nga những ký ức ấy.


Cựu chuyên gia quân sự Nga nói về 12 ngày đêm lịch sử - ảnh 1

Thiếu tướng Pozdeev tại văn phòng

Trước hết, ông Pozdeev gửi lời chúc mừng chân thành tới nhân dân Việt Nam nhân kỷ niệm tròn 40 năm chiến thắng ĐBP trên không. Ông cũng bày tỏ lời cảm ơn chân thành tới những người bạn Việt Nam, những người cựu chiến binh, những người dân bình thường, những người từng trồng lúa, từng cầm cuốc, cầm súng để đánh đuổi đế quốc xâm lược tàn bạo nhất, Đế quốc Mỹ. Ông lý giải: “Có thể hiểu như vậy khi đã chứng kiến tất cả những gì mà quân xâm lược Mỹ đã làm trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Không bao giờ được quên những làng quê bình dị, không bao giờ quên bao nhiêu những khu sinh thái đã bị tàn phá, không biết bao nhiêu triệu gia đình Việt Nam đã có người thân thiệt mạng, hy sinh trong cuộc chiến. Không thể kể hết bao nhiêu nhà máy, cung đường, làng mạc, khu dân cư… đã bị phá hủy. Tôi là người đã chứng kiến tận mắt những điều đó, tôi không thể tha thứ, nhưng không phải là đối với nhân dân Mỹ mà là những thế lực đã điều lính Mỹ tới gây chiến tranh ở Việt Nam, tới một vùng đất cách xa họ hàng vài nghìn cây số… Những người từng chứng kiến những điều đó như chúng tôi đã không thể sống bình yên, dù đã 40 năm trôi qua. Tôi đã chứng kiến ở miền Trung Việt Nam có bao em nhỏ đã phải chịu ảnh hưởng thế nào của chiến tranh. Tôi đã từng nhìn thấy những cụ già sống nghèo khổ, đói khát… để nhường tất cả cho tiền tuyến, cho chiến thắng cuối cùng. Và khi đánh giá lại thì mới thấy Chiến thắng ấy mới vĩ đại làm sao! Chiến thắng ấy không thể so sánh nổi với bất cứ điều gì! Khi Đế quốc Mỹ đã sử dụng các loại phương tiện chiến tranh hết sức hiện đại, thì Việt Nam chỉ sử dụng những kinh nghiệm của quân đội Xô-viết, kinh nghiệm từ những chuyên gia quân sự … và các bạn đã đập tan được cuộc tấn công của kẻ thù. Kẻ thù đã quyết tâm khuất phục nhân dân Việt Nam bằng máy bay B-52, đã ném bom hủy diệt xuống các vùng dân cư yên lành… đó là sự tàn bạo vô chừng chứ không thể là những gì chúng vẫn rêu rao là “dân chủ, văn minh…”. Văn minh gì mà lại đi gây chiến tranh xâm lược như thế! Tôi là một cựu chiến binh, tôi cảm thấy thật hổ thẹn, thấy hết sức tức giận vì đã có những kẻ đi gây chiến như thế! Cũng chính bởi những điều đó mà tôi phải nói lên lời cảm ơn đối với những người dân bình thường Việt Nam, đối với những người lính Việt Nam, xin bày tỏ niềm khâm phục đối với tất cả những người phụ nữ, những người đàn ông, cả những thanh niên nam nữ… những người đã anh dũng chiến đấu và chiến thắng kẻ thù, bảo vệ Tổ quốc mình, bảo vệ đất nước của Hồ Chí Minh”.

Cựu chuyên gia quân sự Nga nói về 12 ngày đêm lịch sử - ảnh 2
Thiếu tướng Pozdeev (ngoài cùng bên trái) và các chuyên gia Liên Xô tại Việt Nam


Và thiếu tướng Pozdeev cũng không quên chúc mừng chính những đồng đội, đồng chí của mình, những người cựu chiến binh, các chuyên gia Xô-viết đã góp phần xứng đáng vào chiến thắng này bằng những việc làm cụ thể, bằng công sức của mình. Nói về những giá trị lịch sử rất đáng được trân trọng, thiếu tướng Pozdeev nhấn mạnh “Chúng ta cần phải luôn luôn ghi nhớ lịch sử! Không có quá khứ thì không thể có hiện tại và càng không có tương lai! Bây giờ, có không ít giới trẻ là tri thức mà vẫn cố tình quên đi những điều tốt đẹp ấy. Quên quá khứ mà chỉ chú ý đến việc lãnh đạo trong hiện tại là không thể! Nhân dân Việt Nam đã trải qua thử thách bằng lửa và đó là thử thách nặng nề nhất, gian khổ nhất. Nhưng một dân tộc anh hùng đã làm được điều thật đáng tự hào. Nếu bạn là người yêu tổ quốc, yêu dân tộc bạn sẽ hiểu điều mình làm và sẽ chiến thắng kẻ thù đã tới xâm lược mảnh đất của mình. Tôi có mặt ở Việt Nam 1 năm, từ năm 1970 đến năm 1971. Cuộc chiến đấu 12 ngày đêm diễn ra muộn hơn thời điểm tôi ở VN. Ấn tượng của tôi còn rất rõ về những cuộc gặp mặt với các đồng nghiệp VN. Tôi đã gặp anh hùng phi công Phạm Tuân, người đầu tiên bắn rơi máy bay Mỹ B-52 trên không. Điều đó đã diễn ra vào thời gian tôi ở Việt Nam. Sau này, khi Phạm Tuân sang Liên xô học tập tôi đã từng đi đón ông ở Sân bay Nga, từng có cuộc gặp gỡ thân mật tại trụ sở Hội Hữu nghị Nga – Việt”.

Cựu chuyên gia quân sự Nga nói về 12 ngày đêm lịch sử - ảnh 3
Bức ảnh kỷ niệm tại Việt Nam

Rồi ông bồi hồi kể lại những kỷ niệm ông còn nhớ, gắn với từng địa danh, từng con người. Ông cho xem những bức ảnh mà ông vẫn còn giữ được đến ngày hôm nay, trong đó ông có mặt bên những người đồng chí Việt Nam, trên những miền quê Việt Nam… Tất cả trong ông vẫn còn rất đậm nét, rất hào sảng. Cuối cùng ông khẳng định “Có thể nói đó là một dân tộc rất anh hùng, rất kiên gan, bền bỉ, rất quả quyết và kiên cường… Những cây tre Việt Nam là biểu tượng của sự kiên cường, của sự dẻo dai của Việt Nam. Đó là biểu tượng của con người, những con người như vậy thì vũ khí không thể khuất phục được họ, những con người chỉ biết chiến thắng. Lãnh tụ Lênin từng nói, một dân tộc đã tuyên bố tự do thì không thể tước đi của họ tự do. Khi nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố về một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì tất cả mọi người, dù ở tiền tuyến hay hậu phương, không phân biệt là bộ đội hay dân thường… tất cả đều đồng tâm bảo vệ tổ quốc mình. Tôi cũng xin nhắc lại là chính bởi cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam mà càng không thể tha thứ cho những hành động bạo tàn của Đế quốc Mỹ. Là một cựu chiến binh, tôi không bao giờ có thể tha thứ cho hành động của những kẻ xâm lược Mỹ cũng như tôi đã từng không thể tha thứ cho Phát xít Đức, những kẻ đã gây bao đau thương cho nhân dân chúng tôi. Và một điều cần phải rút ra là chúng ta phải ghi nhớ trong đầu những điều này để nó đừng lặp lại. Nếu chúng ta không nhớ đến những điều đó thì chúng ta không phải là con người! Trong tim chúng tôi luôn có những điều tốt đẹp về dân tộc Việt Nam. Và bởi thế, là một công dân Liên Xô, công dân Nga ngày nay, tôi nghĩ rằng, đó là những điều để làm nên mối gắn kết anh em giữa chúng ta, mối gắn kết từ lịch sử, từ sự gần gũi với nhau và chúng ta cần duy trì mối quan hệ ấy chứ không được làm khác! Chúng ta cần tiếp tục củng cố và nhân lên nhiều hơn nữa mối quan hệ ấy”.

Thiếu tướng Pozdeev năm nay đã ngoài 80 tuổi. Ông đã nghỉ hưu từ lâu, nhưng không cho phép mình ngừng hoạt động, ông tiếp tục tham gia công tác trong Hội Hữu nghị Xô-Việt, rồi sau này là Nga - Việt. Hiện ông là Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Nga - Việt và hàng ngày ông vẫn đến văn phòng trụ sở Hội đặt tại Học viện Kinh tế và Pháp luật Mat-xcơ-va. Đến để như được sống với một miền ký ức thật sâu đậm, đầy nhân văn./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu