Mong muốn giữ gìn, phổ biến những tinh hoa nghệ thuật truyền thống của dân tộc nơi xa xứ

Bảo Trang
Chia sẻ
(VOV5) - Chúng tôi đã cảm nhận tình yêu quê hương qua những điệu hò, câu lý và có hoài bão giữ gìn, phổ biến những tinh hoa nghệ thuật truyền thống của dân tộc trong cộng đồng.

Mới đây, Hội yêu nghệ thuật truyền thống VN tại CHLB Đức và Châu Âu đã tổ chức chương trình Dân ca kỷ niệm 5 năm ngày thành lập Hội. Tới nay, hội đã có 16 chi hội hoạt động tại nhiều vùng miền, có nhiều hoạt động sinh hoạt thường xuyên cũng như các kênh giao lưu trực tuyến để truyền dạy và lan toả nghệ thuật truyền thống trong cộng đồng. 

Nhạc sĩ, soạn giả Hoàng Thị Dư, Chủ tịch Hội yêu nghệ thuật truyền thống VN tại CHLB Đức và Châu Âu chia sẻ về chặng đường 5 năm của Hội, cùng những tâm tư về việc duy trì và gìn giữ những nét đẹp văn hóa dân tộc nơi xa xứ.

Nghe âm thanh tại đây:

 

Xin chào các quý vị thính giả của VOV!

Nhớ những ngày đầu khi mới manh nha ý tưởng thành lập hội với nhiều suy nghĩ và trăn trở. Tên gọi của Hội thể hiện rõ đối tượng và mục tiêu của Hội. Hội viên của Hội không chỉ là những nhà chuyên môn mà mở rộng ra bà con, anh chị em yêu nghệ thuật truyền thống. Đây chính là mảnh đất, là điều kiện cần để lan tỏa những mục tiêu mà Hội đề ra: đó là giữ gìn, phổ biến những giá trị của nghệ thuật truyền thống Việt nam.

Từ đó chúng tôi nêu khẩu hiệu KẾT NỐI VÀ CHIA SẺ: Kết nối những tâm hồn đồng điệu và chia sẻ các mục tiêu của Hội trong đó có việc nâng cao kiến thức chuyên môn cũng như nghệ thuật biểu diễn. Trong những hoạt động của mình, chúng tôi đã nhận được sự ủng hộ  của nhiều nghệ sĩ  từ trong nước cũng như ở nước ngoài trong việc truyền bá các kiến thức chuyên môn hoặc truyền dạy cụ thể. Đó chính là điều kiện đủ để Hội phát triển.

Mong muốn giữ gìn, phổ biến những tinh hoa nghệ thuật truyền thống của dân tộc nơi xa xứ - ảnh 1Chương trình nghệ thuật kỉ niệm 5 năm Hội yêu nghệ thuật truyền thống Việt Nam tại CHLB Đức và Châu Âu

Đến nay đã 5 năm, thời gian tuy không dài nhưng cũng đã ghi dấu ấn những điều mà chúng tôi đã cùng nhau gây dựng. 16 chi hội đã được thành lập, quy tụ hàng trăm anh chị em yêu dân ca Việt, đặc biệt có nhiều các cháu nhỏ sinh ra và lớn lên ở nước ngoài.

Tình yêu quê hương - có thể tóm tắt như vậy, tuy mỗi người trong chúng ta có thể có những cảm nhận khác nhau và cách thể hiện cũng khác nhau. Đối với một người có thể gọi là có những hoạt động nghệ thuật, chúng tôi đã cảm nhận tình yêu quê hương qua những điệu hò, câu lý và có hoài bão giữ gìn, phổ biến những tinh hoa nghệ thuật truyền thống của dân tộc trong cộng đồng.

Cho đến nay,  ngoài những chương trình do các chi hội tổ chức cũng như các chương trình trực tuyến thường kỳ, Hội đã tổ chức 5 chương trình dân ca (có giao lưu với các thể loại khác) ở nhiều nơi, trong đó có chương trình SẮC VIỆT GIỮA TRỜI ÂU được tổ chức ở một vùng núi xa xôi ở nước Đức trong ba ngày, đều đã thành công. Mỗi chương trình thu hút hàng trăm người tham gia, quy tụ đông đảo các ca sĩ của cộng đồng và bà con yêu mến nghệ thuật truyền thống. Vừa qua Hội cũng đã nhận được Giấy khen của Đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức.

Nói đến thành công và những kết quả lan tỏa của Hội không dừng lại ở những con số, mà trong tâm hồn, tình cảm của anh chị em Hội viên và nhiều bà con cộng đồng, qua những sự kiện đó đã thể hiện rõ nét sự yêu mến, trân trọng và ngày càng gắn bó.

Mong muốn giữ gìn, phổ biến những tinh hoa nghệ thuật truyền thống của dân tộc nơi xa xứ - ảnh 2Bà Hoàng Thị Dư - người sáng lập và Chủ tịch Hội yêu nghệ thuật truyền thống Việt Nam tại CHLB Đức và Châu Âu

Nói bí quyết gì thì to lớn quá. Nhưng chúng tôi có thể chia sẻ một ít kinh nghiệm trong những hoạt động của mình.

Thứ nhất: Đề ra được những chủ trương phù hợp. Ví dụ như khẩu hiệu hành động xuyên suốt của chúng tôi là KẾT NỐI và CHIA SẺ. Từ đó  đã tạo ra được một phần nào hiệu ứng domino, nhân rộng số hội viên, tăng cường mối tương tác cũng như làm bám rễ trong nhiều người nhận thức về những tinh hoa cần gìn giữ của dân tộc.

Thứ hai: Phát triển và tăng cường củng cố các chi hội. Từ đó sẽ nhận được những tương thích ngược rất có lợi cho sự phát triển của Hội. Thực tiễn đã chứng minh điều đó. Lãnh đạo và thành viên các chi hội đã có rất nhiều nỗ lực và góp phần không nhỏ cho những thành công trong thời gian qua. Chúng tôi thường ví các chi hội như những cánh hoa của bông hoa Hội.

Thứ ba: Thiết lập  các mối quan hệ với các hội đoàn, các tổ chức trong và ngoài nước: Đây là chủ trương từ ngày đầu thành lập. Cho đến nay đã có hàng chục hội đoàn đồng hành cùng Hội. Đài TIẾNG NÓI VIỆT NAM là một trong những cơ quan đã cổ vũ tuyên truyền, là một trong những cầu nối, rất quan trọng của chúng tôi. Nhờ đó tầm ảnh hưởng của Hội cũng được mở rộng.

Thứ tư:  Quân bình các mối quan hệ theo cam kết đã đề ra. Giữ sự bình đẳng với tất cả hội viên, từ hội viên mới vào Hội chưa biết hát đến chủ tịch Hội. Tuy nhiên, để bù lại những hạn chế về chuyên môn của đa số hội viên, chúng tôi đã mời nhiều nghệ sĩ vào Hội, để phổ biến, truyền dạy cũng như biểu diễn các loại hình nghệ thuật dân tộc.

Thứ năm: Có thể nói là quan trọng nhất. Đó là tấm lòng, là trái tim luôn hướng về quê hương đất nước, cùng chung tay với cộng đồng để góp phần gìn giữ và phát triển những bản sắc của dân tộc trong lòng người xa xứ.

Nói đến mong muốn, hoài bão thì ai cũng có nhiều. Vừa rồi, tại Berlin, Hội chúng tôi đã có chương trình VỀ NGUỒN. Hy vọng trong thời gian sắp tới sẽ có một chương trình VỀ NGUỒN tại Việt Nam, để Hội viên có điều kiện giao lưu và học hỏi các anh chị em nghệ sĩ trong nước. Chúng tôi cũng hy vọng sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ từ Đại sứ quán Việt Nam, các tổ chức Hội đoàn, Đài TIẾNG NÓI VIỆT NAM, toàn thể Hội viên, các nghệ sĩ và trên tất cả là sự yêu mến và ủng hộ của đông đảo quý khán thính giả, bà con cộng đồng trong và ngoài nước.

Nhân dịp năm mới kính chúc quý vị và anh chị em sức khỏe và vạn sự như ý. Và xin gửi tặng chương trình bài hát chèo "Tự hào bóng đá Việt Nam" (điệu lới lơ) do Hoàng Thị Dư viết lời và nghệ sĩ Thao Mai thể hiện.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu