Hội yêu nghệ thuật truyền thống Việt Nam tại CHLB Đức và Châu Âu vừa tổ chức chương trình Sắc Việt giữa trời Âu – từ truyền thống đến hiện đại từ 19 đến 21/8.
Với mục tiêu góp phần gìn giữ và phổ biến những giá trị truyền thống của văn hóa Việt; giao lưu và kết nối hội viên cũng như những tâm hồn Việt nơi xa xứ, chương trình đã có gần 350 lượt người, đến từ 7 quốc gia là Đức, Hà Lan, Áo, Pháp, Phần Lan, Luxemburg và Séc tham gia.
Các hoạt động chính bao gồm giới thiệu trang phục của các dân tộc Việt Nam và ca múa nhạc truyền thống, giao lưu thơ, ca nhạc Việt Nam đương đại, hội tụ đông đảo các nghệ sĩ, ca sĩ cộng đồng và hầu hết những người đã từng đạt giải cao nhất cuộc thi Kiều bào hát dân ca do Đài TNVN tổ chức.
Bà Hoàng Thị Dư phát biểu tại buổi khai mạc Chương trình |
Phóng viên Đài TNVN phỏng vấn bà Hoàng Thị Dư, Trưởng Ban tổ chức, Chủ tịch Hội yêu nghệ thuật truyền thống Việt Nam tại CHLB Đức và Châu Âu về chương trình đặc sắc này.
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
Phóng viên: Thưa bà, trước tiên bà có thể cho biết mục tiêu của Chương Trình Sắc Việt giữa trời Âu – từ truyền thống đến hiện đại?
Bà Hoàng Thị Dư: Nghệ thuật truyền thống là một bộ phận tạo dựng bản sắc dân tộc. Bảo vệ, lưu giữ và quảng bá những giá trị phổ quát của nghệ thuật truyền thống Việt Nam là mục tiêu chủ yếu của Hội yêu NTTT Việt Nam tại CHLB Đức và Châu Âu. Đây là một nhiệm vụ hết sức khó khăn, đặc biệt trong điều kiện ở nước ngoài .
Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, BCH Hội đã cùng với toàn thể hội viên, được sự quan tâm của Đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức, ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài Bộ ngoại giao và các tổ chức, cá nhân các nhà giáo, nghệ sĩ cùng bà con cộng đồng mến mộ đã hết sức nỗ lực bằng nhiều hình thức khác nhau, góp phần tạo dựng và phát triển một phong trào học tập, hát và biểu diễn những làn điệu dân ca từ Quan họ, Chèo đến Xẩm, Cải lương, ...
Cho đến hiện nay, ngoài các hội viên ở nhiều nước Châu Âu , chúng tôi đã có 12 chi hội ở Đức và Việt Nam. Đây là những thành quả bước đầu, làm nền tảng cho sự phát triển những mục tiêu của Hội.
Trên hành trình đó, chương trình Sắc Việt giữa trời Âu – từ truyền thống đến hiện đại được tổ chức từ 19 đến 21/8 tại vùng Harz CHLB Đức nhằm mục đích: làm sâu sắc thêm ý tưởng và hiện thực việc gìn giữ và phổ biến những giá trị truyền thống của văn hóa Việt; giao lưu, gặp mặt hội viên; thực hiện phương châm của Hội : Kết nối và chia sẻ. Kết nối những tâm hồn và tấm lòng yêu quê hương đất nước qua câu dân ca, qua điệu hò câu Lý. Kết nối để chia sẻ, không chỉ chia sẻ ước muốn mà còn chia sẻ nhiệm vụ của từng hội viên, của BCH Hội và đông đảo bà con cộng đồng.
Bài hát văn mở màn chương trình Sắc Việt giữa trời Âu - từ truyền thống đến hiện đại:
Phóng viên: Trong chương trình lần đầu tiên được tổ chức này, nội dung giao lưu, biểu diễn tập trung vào những hoạt động gì, thưa bà?
Bà Hoàng Thị Dư: Đã có gần 200 tiết mục đậm đà tính dân tộc được biểu diễn trong 3 ngày. Các nội dung biểu diễn và giao lưu bao gồm: các loại trang phục của các dân tộc Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại; ca múa nhạc truyền thống gồm Hát chèo, quan họ, hát văn, hát xẩm, dân ca Nam bộ, dân ca xứ nghệ và thơ, ca nhạc Việt Nam đương đại; giao lưu du lịch vùng núi và du thuyền trên hồ thủy điện để qua đó gắn kết tình cảm, xây dựng ngày càng bền chặt những tiêu chí của Hội.
Phóng viên: Sau 3 ngày diễn ra với đầy ắp các hoạt động như thế, về phía Ban tổ chức, bà đánh giá như thế nào về những kết quả thu được từ sự kiện lần này?
Bà Hoàng Thị Dư: Thực sự khó đánh giá được hết những kết quả mà Chương trình mang lại. Đây là một ngày Hội của bà con cộng đồng. Ban tổ chức chúng tôi đã vô cùng xúc động khi lần đầu tiên có sự tham gia của các ca sĩ đến từ 7 quốc gia. Trong những trang phục dân tộc, áo dài truyền thống cũng như trang phục hiện đại, các anh chị em tham gia hết sức vui mừng vì sự trùng phùng, vì sự giao lưu kết nối của những người con xa xứ nhưng không quên nguồn cội. Chương trình đã thu hút nhiều thế hệ. Kết nối hội viên ở nhiều nơi, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau. Qua đó nâng cao tinh thần trách nhiệm cũng như tấm lòng đối với nghệ thuật truyền thống, góp phần lan tỏa và gìn giữ những giá trị của bản sắc Việt. Chương trình đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng hội viên và bà con cộng đồng. Hy vọng nó sẽ góp phần tạo dựng một mạch ngầm sắc Việt trong lòng người xa xứ.
Phóng viên: Và sắp tới, Hội yêu nghệ thuật truyền thống VN tại CHLB Đức và Châu Âu sẽ có kế hoạch hoạt động tiếp theo như thế nào thưa bà?
Bà Hoàng Thị Dư: Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng và phát triển những chi hội ở nhiều nơi khác nhau. Liên kết với các hội đoàn và tổ chức để tổ chức những chương trình mang tính chuyên sâu về nghệ thuật truyền thống. Hội yêu NTTT Việt Nam không chỉ là một tổ chức quần chúng mà còn là một tổ chức chuyên môn. Vì vậy một trong những kế hoạch sắp tới của chúng tôi là tổ chức những buổi học online hoặc thực tế để nâng cao trình độ và chất lượng nghệ thuật trong các tiết mục biểu diễn cho hội viên. Hy vọng trên hành trình của mình, Hội yêu NTTT Việt Nam tại CHLB Đức và Châu Âu sẽ nhận được ngày càng nhiều sự cổ vũ và đóng góp từ những cơ quan hữu quan, các tổ chức và bà con cộng đồng.
Phóng viên: Xin cảm ơn bà!