Xung đột Hamas-Israel là biến động địa chính trị bao trùm toàn bộ khu vực Trung Đông trong năm nay. Đây là xung đột lớn nhất trong vài thập kỷ qua giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas, gây ra thiệt hại sinh mạng to lớn cho cả hai phía, đồng thời đe dọa xói mòn toàn bộ môi trường an ninh vốn mong manh tại khu vực Trung Đông.
Ngày 7/10, phong trào Hồi giáo Hamas ở dải Gaza bất ngờ mở cuộc tấn công quy mô lớn vào các khu dân cư và doanh trại quân đội Israel nằm sát dải Gaza, sát hại nhiều người và bắt giữ hàng trăm con tin. Để đáp trả, chính phủ Israel mở chiến dịch đánh trả quy mô lớn nhất kể từ năm 1973 nhằm vào dải Gaza, đẩy khu vực vào cuộc xung đột quân sự lớn nhất trong nhiều năm qua.
Khói bốc lên sau các cuộc oanh tạc của lực lượng Israel xuống thành phố Khan Yunis, phía Nam Dải Gaza, ngày 9/12/2023. Ảnh: AFP/TTXVN |
Xung đột khốc liệt và khủng hoảng nhân đạo
Sau hơn 2 tháng bùng phát, xung đột Hamas-Israel chưa có dấu hiệu chấm dứt, bất chấp thiệt hại sinh mạng nặng nề từ cả hai phía và khủng hoảng nhân đạo ngày càng cấp bách. Tính đến giữa tháng 12, các số liệu từ Liên hiệp quốc (LHQ), Cơ quan Y tế dải Gaza cũng như chính quyền Israel cho thấy đã có gần 20 ngàn người thiệt mạng, trong đó có hơn 18.500 người Palestine (bao gồm cả lực lượng Hamas và thường dân) và hơn 1.400 dân thường và binh lính Israel. Đây là các con số thiệt hại nghiêm trọng nhất với cả hai phía Israel và Palestine kể từ năm 1948.
Không chỉ thiệt hại về sinh mạng, cuộc xung đột cũng đang tàn phá toàn bộ cơ sở hạ tầng và nền tảng kinh tế-xã hội của dải Gaza, nơi sinh sống của hơn 2,3 triệu dân trước xung đột xảy ra. Các dữ liệu từ Trung tâm vệ tinh LHQ (UNOSAT) giữa tháng 12 cho thấy khoảng 60% cơ sở hạ tầng tại Gaza đã bị hư hại, trong đó gần 20% bị phá hủy hoàn toàn, hơn 80% dân số Gaza, tức hơn 1,8 triệu người, phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Các hệ thống y tế, nước sạch, lương thực đều đang trên bờ vực sụp đổ, nạn đói và bệnh tật đe dọa sinh mạng của hàng trăm ngàn người, trong đó có nhiều trẻ em.
Trước mức độ khốc liệt của cuộc xung đột tại Gaza, các nỗ lực ngoại giao khu vực và quốc tế được thực hiện dồn dập trong hơn 2 tháng qua tại Trung Đông. LHQ cũng đã tổ chức hơn 10 phiên họp khẩn cấp để thảo luận tình hình đồng thời thông qua 2 Nghị quyết (1 tại Hội đồng bảo an LHQ, 1 tại Đại hội đồng LHQ) nhằm thúc đẩy việc đạt được lệnh ngừng bắn lâu dài, qua đó có thể đẩy mạnh hoạt động cứu trợ nhân đạo và xa hơn là tìm kiếm các giải pháp chính trị. Tuy nhiên, bất chấp các lời kêu gọi từ nhiều bên, hai phía Israel và Hamas chỉ thống nhất được một khoảng tạm nghỉ kéo dài 7 ngày (từ 24/11 đến 01/12) để trao đổi con tin và trợ cấp nhân đạo. Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU), Josep Borrell nhận định:
“Liên hiệp quốc đã mô tả rất rõ về tình hình hiện nay tại Gaza và vì một lệnh ngừng bắn là bất khả thi do không được HĐBA LHQ phê chuẩn, các quốc gia cần phải nhất trí với nhau về một số yêu cầu, để đạt được một loạt các giai đoạn tạm ngưng xung đột, để giúp tình hình nhân đạo bớt tồi tệ hơn”.
Đe dọa môi trường an ninh mong manh tại Trung Đông
Trong bối cảnh xung đột tại Gaza diễn biến khó lường, môi trường an ninh và kinh tế tại khu vực đang ngày càng bị tác động nặng nề. Về mặt ngoại giao, các nỗ lực và thành quả cải thiện quan hệ giữa Israel với các quốc gia Arab trong khu vực đang có nguy cơ tan vỡ. Hôm 14/10, chính quyền Saudi Arabia tuyên bố tạm ngưng quá trình thảo luận về khả năng bình thường hóa quan hệ với Israel. Về lâu dài, giới quan sát nhận định nếu xung đột tại Gaza vượt tầm kiểm soát và thương vong của thường dân Palestine quá lớn, ngay cả Hiệp định Abraham lịch sử, ký tháng 9/2020, về bình thường hóa quan hệ giữa Israel với UAE, Bahrain cũng có nguy cơ đổ vỡ.
Về mặt kinh tế, các tác động của xung đột tại Gaza cũng đang ngày càng lớn hơn. Cuối tháng 11, Ngân hàng Trung ương Israel ước tính kinh tế nước này thiệt hại ít nhất 53 tỷ USD và nếu xung đột kéo dài, con số này sẽ còn cao hơn. Trong khi đó, hệ thống kinh tế tại Gaza được đánh giá đã sụp đổ. Ngoài ra, các cuộc tấn công với tần suất ngày càng cao của lực lượng Houthi ở Yemen vào các tàu hàng ở Biển Đỏ, với lí do ngăn các tàu này đến và đi khỏi Israel, đang gây gián đoạn tuyến hàng hải huyết mạch của thế giới. Từ giữa tháng 12, một loạt các hãng vận tải biển cùng các tập đoàn hàng đầu thế giới, như: MAERSK, Hapag-Lloyd, CMA-CGM, Evergreen, Euronav… đã tuyên bố tạm ngưng di chuyển qua biển Đỏ hoặc tránh tuyến qua kênh đào Suez để giảm thiểu nguy cơ tàu hàng bị tấn công. Diễn biến này sẽ tác động mạnh đến thương mại khu vực và thế giới bởi tuyến đường kênh đào Suez và biển Đỏ chiếm 50% thị trường vận tải container toàn cầu.
Trước tình thế hiện nay, hầu hết cộng đồng quốc tế đều cho rằng, xung đột tại Gaza chỉ có thể giải quyết tận gốc rễ bằng cách toàn bộ các bên nỗ lực thúc đẩy việc thực thi giải pháp 2 nhà nước Israel và Palestine trong thực tế. Ngoại trưởng Ai Cập, Sameh Shoukry, tuyên bố: “Chúng ta không thể tiếp tục chỉ đề cập đến giải pháp hai nhà nước như một cách khách sáo, mà cộng đồng quốc tế và HĐBA LHQ cần có những nguồn lực và phương tiện cần thiết để triển khai sự đồng thuận quốc tế đã được công nhận rộng rãi để chấm dứt cuộc xung đột này, đó là cơ sở giải pháp hai nhà nước, chung sống bên nhau trong hòa bình và an ninh”.
Hiện tại, nhờ nỗ lực và sự kiềm chế của nhiều bên, xung đột tại Gaza vẫn đang được kiểm soát về phạm vi địa lý. Tuy nhiên, giới chuyên gia lo ngại nếu xung đột kéo dài môi trường an ninh mong manh tại Trung Đông sẽ bị hủy hoại. Khi đó, tác động tiêu cực với thế giới sẽ lớn hơn bởi Trung Đông là nơi sản xuất 35% lượng dầu xuất khẩu và 14% lượng khí đốt xuất khẩu của thế giới.