Trong báo cáo công bố hôm 11/12, Liên hiệp quốc (LHQ) cho biết tình hình nhân đạo toàn cầu thời gian tới tiếp tục đối mặt với những thách thức lớn, khi xung đột và những tác động của biến đổi khí hậu đang đẩy nhiều cộng đồng vào tình trạng dễ tổn thương, trong khi các cơ quan LHQ ngày càng thiếu hụt ngân sách hoạt động.
Báo cáo "Triển vọng nhân đạo toàn cầu" năm sau, được Liên hiệp quốc (LHQ) công bố hôm 11/12, đánh giá các cuộc xung đột, những tình huống khẩn cấp về khí hậu và sự sụp đổ của nhiều nền kinh tế đang đè nặng lên nhóm những người dễ bị tổn thương nhất tại tất cả các châu lục, dẫn đến nạn đói trầm trọng, di cư ở quy mô lớn và sự bùng phát dịch bệnh.
Xung đột châm ngòi khủng hoảng nhân đạo
Căng thẳng địa chính trị dẫn đến xung đột tại nhiều khu vực trên thế giới trong năm nay. Theo Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA), hiện cứ 5 trẻ em trên thế giới thì có 1 trẻ em phải sống trong khu vực xung đột hoặc phải trốn chạy khỏi các khu vực này. Khoảng 258 triệu người trên thế giới đang trong nạn đói khẩn cấp, tức có thể tử vong ngay lập tức nếu không được tiếp cận với các nguồn cứu trợ. Ngoài ra, cứ 73 người trên thế giới thì có 1 người đã phải bỏ nhà cửa do xung đột, thiên tai hoặc khủng hoảng kinh tế, con số cao gấp 2 lần so với cách đây 10 năm.
Người dân Palestine rời bỏ nhà cửa ở Dải Gaza nhằm tránh cuộc xung đột Hamas-Israel, ngày 9/10/2023. Ảnh: AFP/TTXVN |
Hiện tại, xung đột tại dải Gaza đang là tâm điểm thu hút sự chú ý của thế giới bởi tình hình nhân đạo tại đây xấu đi từng ngày. Theo các số liệu được LHQ công bố đầu tuần này, 85% dân số dải Gaza, tương đương khoảng 1,6 triệu người, đã phải bỏ nhà cửa do xung đột giữa lực lượng Hamas và quân đội Israel tại đây. Khoảng hơn 18 ngàn dân thường, trong đó có nhiều trẻ em, đã thiệt mạng và khoảng 50 ngàn người bị thương. Theo Chương trình lương thực LHQ (WFP), một nửa dân số Gaza, tức gần 1 triệu người, đang rơi vào nạn đói. Phát biểu tại Geneva (Thụy Sỹ) hôm 12/12 nhân kỷ niệm 75 năm Tuyên bố nhân quyền của LHQ (1948-2023), Cao ủy LHQ về nhân quyền, Volker Turk, cho rằng tình hình nhân đạo tại dải Gaza hiện nay đang trên bờ vực sụp đổ.
Tuy nhiên, Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp, Martin Griffiths, cho rằng sự tập trung của thế giới không nên dành riêng cho dải Gaza bởi toàn bộ khu vực Trung Đông, Sudan, Afghanistan hay Đông Phi cũng là những điểm nóng cần các chiến dịch cứu trợ nhân đạo quy mô lớn. Chung quan điểm đó, đại diện của Chương trình Lương thực LHQ (WFP) tại Somalia, ông Petroc Wilton, cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế cần chia sẻ sự quan tâm công bằng hơn: “Chúng tôi vừa chứng kiến một loạt các cú sốc về khí hậu. Tại Somalia, nạn đói đang ở mức tồi tệ nhất trong 10 năm qua khi trận lụt kinh hoàng càn quét đất nước này, phá hủy các gia đình vốn đã nhiều năm trong tình trạng mất an ninh lương thực và đang chật vật phục hồi sau đợt hạn hán kéo dài nhất trong lịch sử nước này”.
Khó khăn nguồn lực tài chính
Nhằm ứng phó với các thách thức nhân đạo gia tăng trên toàn cầu, LHQ đang cần những khoản hỗ trợ tài chính lớn. Theo Phó Tổng Thư ký LHQ, Martin Griffiths, sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế hiện nay chưa đủ để đáp ứng nhu cầu thực tế. Cụ thể, trong năm nay các chương trình nhân đạo chỉ huy động được 35% trong tổng số 56,7 tỷ USD vốn kêu gọi, đánh dấu năm thiếu hụt quỹ nghiêm trọng nhất. Với nguồn tài chính này, LHQ chỉ có thể cứu trợ và bảo vệ cho 128 triệu người trong năm nay.
Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp, Martin Griffiths. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trước thực tế đó, Phó Tổng Thư ký LHQ, Martin Griffiths nêu rõ nếu không giảm số tiền huy động, sẽ rất khó để có thể đạt mục tiêu trong bối cảnh các quốc gia tài trợ cũng đang gặp khó khăn vì khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Vì thế, LHQ đã giảm số tiền kêu gọi huy động xuống còn 46,4 tỷ USD cho năm sau và sẽ tập trung cung cấp hỗ trợ cho những nhóm cần nhất trong tổng số khoảng 300 triệu người cần trợ giúp nhân đạo. Phó TTK LHQ, Martin Griffiths cho biết: “Chúng tôi tập trung vào các nhu cầu cụ thể của 181 triệu người trong tổng số 300 triệu người cần trợ giúp nhân đạo. Khác biệt giữa hai con số này không phải là vấn đề nhu cầu được trợ giúp mà là vì còn có những tổ chức khác, như: Chữ Thập Đỏ, Bác sĩ không biên giới (MSF) và nhiều tổ chức nữa, cũng sẽ đưa ra các lời kêu gọi đóng góp và kế hoạch hành động riêng của họ”.
LHQ cho biết số tiền huy động cho năm sau sẽ dùng để trợ giúp 72 quốc gia, trong đó có 26 nước đang lâm vào khủng hoảng và 46 nước láng giềng chịu những hệ lụy từ khủng hoảng của những nước này. Nhóm 5 nước cần hỗ trợ nhiều nhất là: Syria (4,4 tỷ USD), Ukraine (3,1 tỷ USD), Afghanistan (3 tỷ USD), Ethiopia (2,9 tỷ USD) và Yemen (2,8 tỷ USD). Tính theo khu vực, trong năm tới Trung Đông và Bắc Phi cần 13,9 tỷ USD, cao nhất trong các vùng.
LHQ ước tính, con số 300 triệu người trên toàn thế giới cần được cứu trợ trong năm sau ít hơn khoảng 60 triệu người so với năm nay. Tuy nhiên, LHQ cũng cho rằng biến đổi khí hậu có thể đang dần thay thế xung đột để trở thành nguyên nhân khiến nhiều người cần hỗ trợ nhân đạo nhất và điều này sẽ khiến cho các cơ quan nhân đạo của LHQ khó hoạch định và điều chỉnh các kế hoạch ứng phó hơn.