Cuộc gặp giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với 300 nhà khoa học tiêu biểu thuộc nhiều lĩnh vực, đại diện cho 4 triệu trí thức cả nước để lắng nghe những góp ý đối với sự phát triển của khoa học công nghệ nước nhà diễn ra ngày 29/1/2019, tại Hà Nội. Đây là hoạt động nhằm khơi dậy và huy động mạnh mẽ nguồn vốn trí thức đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam trong tương lai.
Tại cuộc gặp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định thành quả của công cuộc đổi mới và phát triển đất nước có sự đóng góp to lớn, trực tiếp của lực lượng trí thức và các nhà khoa học của Việt Nam. Đảng, Nhà nước cũng luôn coi trọng đội ngũ trí thức, nhân tài.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ các trí thức, nhà khoa học. |
Mong muốn trí thức đóng góp vào sự phát triển của đất nước
Năm 2019, Chính phủ Việt Nam đưa ra phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả” và sẽ có những “bứt phá” không chỉ về kinh tế, mà cả bứt phá về kiến tạo phát triển. Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, để phát triển đất nước nhanh và bền vững, đòi hỏi Việt Nam phát huy mạnh mẽ nguồn vốn trí thức, khơi dậy và huy động được sức sáng tạo của người Việt Nam. Đây là thách thức, đồng thời là cơ hội cho những người làm khoa học công nghệ đóng góp nhiều hơn vào sự nghiệp phát triển đất nước.T
hủ tướng mong muốn đội ngũ trí thức trong nước và nước ngoài đóng góp vào khát vọng dân tộc đưa Việt Nam trở thành quốc gia có mức thu nhập cao."Các đồng chí đều nói đến khát vọng, chúng tôi muốn nói rõ hơn, đó là khát vọng đưa đất nước phát triển hùng cường cùng với vận dụng cơ hội, sức mạnh thời đại, ra sức khắc phục tồn tại hạn chế, chung tay vào công cuộc của toàn Đảng, toàn dân trong cả nước và nước ngoài, đặc biệt là sự tham gia tâm huyết trách nhiệm của các trí thức, chuyên gia và nhà khoa học. Tất cả điều đó với khát vọng Việt Nam để đưa Việt Nam tiến lên. Mục tiêu là đến năm 2045, Việt Nam phát triển trở thành nước có thu nhập cao cho người dân. Đó là bài toán cho cả tầng lớp trí thức, đóng góp vào khát vọng này."
Thủ tướng hi vọng các nhà khoa học, giới tri thức sẽ đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước. -Ảnh Chinhphu.vn |
Trên tinh thần đó, Thủ tướng mong muốn đội ngũ trí thức, khoa học người Việt Nam tập trung đóng góp chất xám trong một số lĩnh vực cụ thể như: biến đổi khí hậu; an toàn, an ninh năng lượng; chăm sóc sức khỏe con người, phát triển nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó là lĩnh vực khoa học xã hội, nhất là khoa học quản lý để phát triển, khoa học pháp lý để bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo tinh thần Hiến pháp năm 2013.
Thể chế tốt giúp khoa học công nghệ phát triển
Tại cuộc gặp gỡ này, các nhà khoa học đánh giá cao Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng các nhà trí thức, nhà khoa học. Cá nhân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thường xuyên có các hoạt động gặp gỡ, đối thoại với các nhà trí thức. Đây là niềm khích lệ quan trọng để các nhà trí thức, nhà khoa học ra sức đóng góp cho sự phát triển của đất nước.Về phần mình, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhất trí với các ý kiến cho rằng để khoa học công nghệ phát triển thì cần thể chế, pháp luật tốt. Hiện chính sách về kinh tế, và các chính sách đối với khoa học công nghệ của Việt Nam còn nhiều bất cập.
Thủ tướng Chính phủ khẳng định Chính phủ sẽ tiếp tục đổi mới chính sách về tài chính, kinh tế để cởi trói cho khoa học công nghệ phát triển." Tôi rất đồng ý với ý kiến của một nhà khoa học đã nêu ra hôm nay. 300 giáo sư, tiến sỹ trong hội trường đại diện cho hơn 4 triệu trí thức trong nước và trí thức người Việt ở nước ngoài, chỉ cần mỗi người “một trang giấy” đóng góp cho sự phát triển của Tổ quốc thì đã tập hợp được trí tuệ của trí thức Việt Nam, vì sự đa ngành, đa lĩnh vực mà quý vị đã dày công nghiên cứu. Từ nay cũng tôi cũng sẽ tập trung sức và thời gian hơn nữa để chú ý lắng nghe phản biện, đóng góp của các nhà khoa học để có những chính sách, thể chế được ban hành trong các lĩnh vực.
Cuối cùng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh rằng đội ngũ trí thức trong và ngoài nước của Việt Nam đều đang phát triển mạnh. Đó là tiềm lực vô cùng to lớn không phải dân tộc nào cũng có được. Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn mong muốn phát huy tốt nhất tiềm năng quan trọng này để trở thành nguồn lực, sức mạnh cho phát triển đất nước, nâng cao hơn nữa vị thế quốc gia, củng cố và hun đúc thêm niềm tự hào dân tộc.