Xây dựng một xã hội toàn diện, công bằng

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Đại diện của Việt Nam tái khẳng định ưu tiên xây dựng một xã hội toàn diện, công bằng, tự cường, không ai bị bỏ lại phía sau. 

Khóa họp lần thứ 62 Ủy ban Phát triển Xã hội (CsocD) của Liên hợp quốc kết thúc hôm qua (14/2), tại New York, sau hơn 1 tuần làm việc (5 – 14/2). Phát biểu tại khóa họp này, đại diện của Việt Nam đã tái khẳng định ưu tiên xây dựng một xã hội toàn diện, công bằng, tự cường, không ai bị bỏ lại phía sau. Đây cũng chính là chủ trương lớn của Đảng cộng sản Việt Nam, bảo đảm mọi thành viên xã hội được bình đẳng trong tiếp cận các cơ hội, nguồn lực, để có thể phát triển.

Xây dựng một xã hội toàn diện, công bằng - ảnh 1Khóa họp lần thứ 62 Ủy ban Phát triển Xã hội (CsocD) của Liên hợp quốc. Ảnh: dangcongsan.vn

Với chủ đề “Thúc đẩy phát triển và công bằng xã hội thông qua chính sách xã hội nhằm tăng tốc thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển bền vững và đạt được mục tiêu xóa nghèo”, Khóa họp thu hút sự tham dự của đại diện các nước thành viên LHQ và các tổ chức quốc tế liên quan.

Tiến bộ, công bằng xã hội là trụ cột của sự phát triển bền vững

Phát biểu tại phiên họp, Tham tán Công sứ Lê Thị Minh Thoa, Phó Trưởng Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại LHQ, cho biết Việt Nam đã triển khai hàng loạt chính sách về giáo dục, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, nhờ đó đạt được các thành tựu cụ thể, như: đưa tỷ lệ hộ nghèo đa chiều năm 2022 giảm từ 9,2% xuống 4,3%, tăng thu nhập bình quân hộ nghèo 230% so với cùng kỳ, đưa tỷ lệ người dân biết chữ và trẻ em đi học đúng tuổi lên trên 90%.

Thực tế cho thấy, việc thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội là chủ trương lớn của Đảng cộng sản Việt Nam. Trong quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng luôn nhất quán quan điểm đặt con người ở vị trí trung tâm. Việc thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội luôn được nghiên cứu, cụ thể hóa trong từng chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Mặt khác, tiến bộ, công bằng xã hội còn nhằm bảo đảm cuộc sống ấm no, ổn định của mọi thành viên trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, đặc biệt là những người yếu thế; thực hiện an sinh  xã hội theo phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”; từng bước nâng cao phúc lợi xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo.

Kết quả là, tại Việt Nam, các chỉ tiêu về giảm thiểu bất bình đẳng giới, rút ngắn khoảng cách giàu, nghèo (điển hình là Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025) được thực hiện trên phạm vi cả nước, trọng tâm là các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn ở vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo. Đồng thời, Mục tiêu thiên niên kỷ về xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói được hoàn thành; tỷ lệ hộ nghèo giảm dần theo thời gian cùng quá trình tăng trưởng kinh tế. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế tăng nhanh, từ 60,9% (năm 2010) lên mục tiêu 94,11% trong năm nay. Lĩnh vực giáo dục, phát triển con người được đặc biệt chú trọng thông qua nhiều định hướng, chính sách. Trong khi chưa có điều kiện để bảo đảm giáo dục miễn phí cho mọi người, Việt Nam tập trung hoàn thành nhiệm vụ xóa nạn mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học (năm 2000) và phổ cập giáo dục trung học cơ sở (năm 2010); số lượng sinh viên đại học, cao đẳng tăng gần 18 lần trong gần 40 năm qua.

Thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong bối cảnh mới

Từ quan điểm xuyên suốt, nhất quán của Đảng và Nhà nước đến những thành quả thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong thực tiễn là minh chứng khẳng định bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam đã và đang xây dựng. Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ cần quản lý phát triển xã hội bền vững, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội và bảo đảm triển  khai “đồng bộ, toàn diện các mục tiêu kinh tế, tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường, trên cơ sở đó, đổi mới phân bổ nguồn lực hợp lý để nâng cao hiệu quả phát triển xã hội. 

Do đó, các chính sách phát triển kinh tế trong thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện theo hướng đảm bảo tiến bộ, công bằng xã hội; đồng thời, tập trung xây dựng mô hình quản lý, phát triển xã hội hài hòa, phù hợp với tình hình mới.

Việt Nam cũng sẽ thực hiện tốt chính sách ưu đãi và trợ giúp xã hội, góp phần ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống cho các đối tượng yếu thế nhằm rút ngắn khoảng cách về mức sống và mức độ tiếp cận các nguồn lực xã hội khác. Mặt khác, tăng cường các hoạt động hỗ trợ người nghèo, nhóm người yếu thế trong tiếp cận với giáo dục nhằm tạo dựng sinh kế bền vững cho các đối tượng này.

Song song với đó là việc dự báo đúng xu hướng biến đổi cơ cấu xã hội ở Việt Nam trong những năm tới nhằm xây dựng các chính sách phát triển phù hợp với điều kiện, bối cảnh mới.

Thực hiện phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, tiến tới bao phủ toàn dân. Cải cách hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, triển khai “đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bền vững, bảo đảm mức sống tối thiểu và các dịch vụ cơ bản.”

Việc thực hiện mục tiêu phát triển và công bằng xã hội còn đối mặt với nhiều thách thức. Song, với định hướng đúng, sự quyết tâm của các cấp, các ngành, địa phương cùng việc tăng cường hợp tác quốc tế, việc phát triển và đảm bảo công bằng xã hội ở Việt Nam sẽ thu được nhiều kết quả khả quan.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu