WEF 2019: cơ hội để Việt Nam tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) -WEF Davos 2019 thu hút sự tham gia của khoảng 3.000 đại biểu, trong đó có khoảng 50 nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế.  

Nhận lời mời của Chủ tịch sáng lập và điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới Klaus Schwab, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam dự Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sĩ, từ 22 đến 25/1. Đây là hoạt động đối ngoại đa phương quan trọng của Việt Nam trong năm 2019, có ý nghĩa nhiều mặt về chính trị, đối ngoại, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Diễn đàn kinh tế thế giới 2019 (WEF 2019) là nơi hội tụ của những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn về chính trị và kinh tế của thế giới. Với chủ đề “Toàn cầu hóa 4.0: Định hình kiến trúc toàn cầu trong kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, nghị sự của Hội nghị WEF Davos năm nay thảo luận nhiều vấn đề trọng tâm, liên quan đến mọi mặt của đời sống xã hội từ chính trị, kinh tế, công nghệ đến xã hội và môi trường.

 WEF 2019: cơ hội để Việt Nam tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế - ảnh 1Cơ hội để Việt Nam tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế 
Ảnh minh họa TTXVN

Thảo luận những vấn đề thời sự    

Về chính trị, diễn đàn thảo luận, đánh giá tác động, triển vọng xử lý các vấn đề địa- chính trị là điểm nóng trên thế giới; việc cải cách các thể chế toàn cầu để thích ứng với bối cảnh mới; định hình các quy định và thể chế mới nhằm thúc đẩy hợp tác xử lý các vấn đề toàn cầu…

Về kinh tế - công nghệ, Hội nghị đánh giá tác động nhiều chiều và sâu rộng của cách mạng công nghệ lần thứ 4 đối với các ngành, lĩnh vực, nhất là tác động làm dịch chuyển cơ cấu kinh tế, các chính sách bảo đảm phát triển bền vững và bao trùm.

Các đại biểu cũng thảo luận những thay đổi mạnh mẽ về lao động, việc làm dưới tác động của cách mạng công nghệ 4.0, các biện pháp cải thiện căn bản việc quản lý môi trường sinh thái ở cấp độ toàn cầu, khu vực và quốc gia…

Với những chủ đề mang tính thời sự, WEF Davos 2019 thu hút sự tham gia của khoảng 3.000 đại biểu, trong đó có khoảng 50 nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế.  

Việt Nam nắm bắt cơ hội

Hội nghị WEF Davos là một diễn đàn ý tưởng lớn nhất của thế giới trong năm. Việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự, gặp gỡ và trao đổi tại Hội nghị là cơ hội để Việt Nam kết nối với giới tinh hoa toàn cầu, tiếp cận các ý tưởng mới, nắm bắt xu thế phát triển của thế giới, nhất là xu hướng phát triển của cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trên cơ sở đó vận dụng trong xây dựng, triển khai các chiến lược phát triển đất nước cũng như trong điều hành kinh tế - xã hội.

 WEF 2019: cơ hội để Việt Nam tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế - ảnh 2Cơ hội để Việt Nam tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế.
Ảnh TTXVN

Trong khuôn khổ Hội nghị, Thủ tướng tham dự các phiên thảo luận, đối thoại với lãnh đạo cấp cao các nước, các tập đoàn hàng đầu về các vấn đề lớn có ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội đồng thời tranh thủ sự hợp tác của WEF và các đối tác để triển khai các sáng kiến của Việt Nam tại WEF ASEAN 2018. Đặc biệt, lần đầu tiên, Việt Nam phối hợp với WEF tổ chức sự kiện Đối thoại Kinh tế Việt Nam với sự tham dự của Chủ tịch WEF và nhiều tập đoàn hàng đầu.

Nhân dịp này, Việt Nam và WEF sẽ ký kết một số thỏa thuận hợp tác về thành lập Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0; Ý định thư về hợp tác trong vấn đề xử lý rác thải nhựa…

Nhìn nhận về những cơ hội của Việt Nam tại Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới 2019, Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn, đánh giá: "Một diễn đàn đa phương như Davos là diễn đàn rất tốt cho người đứng đầu Chính phủ truyền đi thông điệp với bạn bè quốc tế về  việc Việt nam có nền chính trị ổn định, môi trường đầu tư thuận lợi. Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện để thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và Việt Nam ủng hộ chủ nghĩa tự do hóa thương mại. Kinh tế Việt Nam sau 32 năm đổi mới đã hội nhập rất sâu vào nền kinh tế thế giới, cho nên ổn định về chính trị, thuận lợi về đầu tư cũng như thương mại chắc chắn là thông điệp rất quan trọng mà Thủ tướng truyền tải tới hội nghị."

Kể từ khi tham gia Diễn đàn Kinh tế thế giới vào năm 1989, quan hệ giữa Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế thế giới phát triển nhanh chóng trên nhiều mặt. Việt Nam chủ động đăng cai nhiều hội nghị khu vực của WEF. Các doanh nghiệp lớn của Việt Nam từng bước tận dụng WEF để xây dựng các mạng lưới hợp tác, trao đổi kinh nghiệm phát triển doanh nghiệp…

Việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự WEF Davos 2019 sẽ tiếp nối những nỗ lực hội nhập của Việt Nam, thu hút đầu tư nước ngoài, tạo thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu