Ngày 10/08 hàng năm là Ngày kỷ niệm thảm họa da cam ở Việt nam. Năm nay, 59 năm sau ngày quân đội Mỹ rải chất độc hóa học xuống miền Nam Việt Nam (10/8/1961 -10/8/2020), nhiều hoạt động ý nghĩa chăm lo cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin diễn ra ở các địa phương, các cấp hội. Nhiều chính sách cũng dần được hoàn thiện để các nạn nhân chất độc dacam/dioxin và con cháu họ có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Chất độc hóa học đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm; trong đó có hơn 3 triệu người là nạn nhân. Cả nước đã có hàng chục vạn người chết, hàng triệu người mắc bệnh nan y, mang nhiều chứng bệnh hiểm nghèo do chất độc này gây ra.
Sự quan tâm của toàn xã hội
Một loạt hoạt động thăm hỏi, tặng quà, chăm sóc sức khỏe cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin diễn ra đồng loạt ở các tỉnh, thành phố của Việt Nam. Tại Đồng Nai, Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh tổ chức hoạt động khám sức khỏe cho nạn nhân chất độc da cam toàn tỉnh để đánh giá tình trạng sức khỏe của nạn nhân, xem xét hỗ trợ miễn phí việc khám chữa bệnh cho nạn nhân. Khoảng 200 nạn nhân ở Đồng Nai được nhận hỗ trợ về điều trị y tế thông qua chương trình này.
Nhân ngày 10/8, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh cũng trao tặng 260 phần quà cho nạn nhân chất độc da cam tại một số huyện. Tại tỉnh Thái Bình, một trong những địa phương có số nạn nhân chất độc da cam cao nhất cả nước (29.000 người), Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh thăm hỏi và trao nhiều phần quà tới các gia đình chính sách trong những ngày qua.
Cùng với sự quan tâm của các cấp chính quyền, đồng hành trong việc chăm lo nạn nhân là các nhà hảo tâm, doanh nghiệp trên cả nước. Đây là việc làm thiết thực, nhân văn nhằm giúp đỡ những gia đình nạn nhân chất độc màu da cam có hoàn cảnh khó khăn.
Chính sách cụ thể
Chất độc da cam tác động đến hệ thống di truyền, gây nên những biến đổi gen di truyền, ảnh hưởng tới nhiều thế hệ; gây dị dạng, dị tật bẩm sinh ở con, cháu của những người trực tiếp bị phơi nhiễm.
Thăm hỏi, tặng quà cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin. - Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN
|
Nhiều năm qua, công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học và chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam là một trong những trọng tâm trong chính sách an sinh xã hội của Nhà nước Việt Nam. Nhiều văn bản pháp luật liên quan đến giải quyết chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng nói chung và người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học nói riêng, được ban hành. Hằng năm, Nhà nước dành khoản ngân sách hàng nghìn tỷ đồng để trợ cấp, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da cam và hỗ trợ những vùng đặc biệt khó khăn do bị ảnh hưởng của chất độc này.
Bà Phạm Thị Hải Hà, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động Thương binh và xã hội, cho biết: Đến thời điểm này theo pháp lệnh Ưu đãi người có công, Việt Nam đã có 9,2 triệu người có công đã được ghi nhận, trong đó có 320 nghìn ngươi là những người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học. Theo luật người khuyết tật chúng tôi đã thống kê được trên 3 triệu người khuyết tật được cấp giấy xác nhận khuyết tật. Trên cơ sở giấy xác nhận đó đã có khoảng trên 1 triệu người được cấp trợ cấp hàng tháng.
Song hành cùng Nhà nước, 5 năm trở lại đây, các cấp hội nạn nhân chất độc da cam vận động nhiều nguồn tài trợ để đầu tư xây dựng các trung tâm nuôi dưỡng, phục hồi chức năng, dạy nghề; hỗ trợ vốn sản xuất, xây nhà tình nghĩa cho nạn nhân chất độc da cam. Thời gian tới, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam tiếp tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền sớm sửa đổi Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH về Chính sách người có công trong đó có nạn nhân chất độc da cam nói chung và thế hệ thứ ba bị nhiễm chất độc da cam nói riêng để phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội có nhiều thay đổi; góp phần hỗ trợ tốt hơn cho cuộc sống của các nạn nhân..
Việt Nam xác định công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đối với môi trường và sức khỏe con người là vấn đề vừa cấp bách, vừa lâu dài. Việc các cấp chính quyền và cộng đồng xã hội cùng chung tay giúp đỡ nạn nhân giúp cuộc sống của họ tốt đẹp hơn.