Vượt khó khăn bằng bản lĩnh, sự sáng tạo và năng lực thích ứng

Thu Hoa
Chia sẻ
(VOV5) - Việt Nam tiếp tục thực hiện ba đột phá chiến lược gồm hoàn thiện đồng bộ thể chế; phát triển nguồn nhân lực; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại trong năm 2022.

Năm 2022 có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Việt Nam, tạo đà để thực hiện các mục tiêu, định hướng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội nhiệm kỳ 5 năm 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Đây cũng là thời điểm thử thách bản lĩnh, sự sáng tạo và năng lực thích ứng của cả Chính phủ và doanh nghiệp để cùng vượt qua khó khăn trên tinh thần “đồng cam cộng khổ”, “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.

Theo người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Việt Nam tiếp tục thực hiện 3 đột phá chiến lược gồm hoàn thiện đồng bộ thể chế; phát triển nguồn nhân lực; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại trong năm 2022 để vượt qua những thách thức, khó khăn này.

Vượt khó khăn bằng bản lĩnh, sự sáng tạo và năng lực thích ứng - ảnh 1Quang cảnh Phiên cấp cao Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF). Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên với chủ đề “Phục hồi và phát triển chuỗi cung ứng trong bối cảnh bình thường mới” tổ chức tại Hà Nội ngày 21/2/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam đã và đang thực hiện công cuộc đổi mới, trong đó tập trung xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với 3 nội dung chính là xóa bỏ quan liệu bao cấp, xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần, hội nhập kinh tế quốc tế.

Sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu có tính chất lịch sử; chưa bao giờ Việt Nam có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hiện nay. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, với phương châm lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể; nguồn lực bên trong là cơ bản, lâu dài; nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá, Chính phủ Việt Nam tiếp tục thực hiện ba đột phá chiến lược gồm hoàn thiện đồng bộ thể chế; phát triển nguồn nhân lực; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Trước mắt, thực hiện có hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, gắn với Chương trình tổng thể phòng, chống dịch COVID-19, đẩy mạnh chiến dịch tiêm vaccine. Đồng thời, tiếp tục đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn… và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thủ tướng khẩng định: "Chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội phục hồi thì phải nhanh phát triển bền vững. Chúng tôi dự kiến chi ra khoảng trên 4 % GDP. Nếu như làm thì tập trung mấy việc thôi. Một là tăng cường năng lực y tế, cái đó là rứt khoát rồi. Thứ hai là về an sinh xã hội chúng tôi không có hy sinh ra an sinh xã hội công bằng xã hội để mà chạy theo tăng trưởng đơn thuần. Thứ ba là giúp đỡ người dân khó khăn, trong đó có các thành phần yếu thế... Rồi cái thứ tư là giúp đỡ doanh nghiệp, vừa qua là làm rất tích cực, không những giảm thuế, giảm phí, giảm tiền điện, tiền nước giảm tiền viễn thông là hết sức tích cực và bây giờ đang tiếp tục phục hồi thị trường lao động nhưng hiện nay đang phục hồi tương đối nhanh về chương trình phục hồi này là tập trung vào phát triển hạ tầng bao gồm hạ tầng số, tầng chống biến đổi khí hậu, đặc biệt là tầng giao thông hiện nay chúng tôi đang rất tích cực cái này." 

Vượt khó khăn bằng bản lĩnh, sự sáng tạo và năng lực thích ứng - ảnh 2Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên cấp cao Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF). Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Chính phủ Việt Nam tạo môi trường bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; khuyến khích đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài, đầu tư vào công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ; nông nghiệp thông minh; bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo; xây dựng kết cấu hạ tầng và các dự án phục vụ an sinh xã hội, chuyển đổi xanh. Việt Nam tập trung các giải pháp nhằm phục hồi chuỗi cung ứng, bảo đảm lưu thông hàng hoá, ổn định nguồn nhiên liệu; hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn, thông suốt của doanh nghiệp trong điều kiện bình thường mới; trọng tâm là ưu tiên các biện pháp bảo đảm an toàn dịch bệnh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách về thuế, tín dụng, nhân lực, hạ tầng, logistic… Đặc biệt là phát triển thị trường vốn, thị trường đất đai, thị trường tài nguyên, thị trường khoa học công nghệ, trí tuệ theo hướng cạnh tranh hơn, hiệu quả hơn, bền vững hơn.

“Một việc không thể không làm được trong bối cảnh hiện nay, đó là cái chuyển đổi xanh. Chuyển đổi xanh là xu thế rồi, chuyển đổi xanh xanh hóa nền kinh tế và chuyển đổi năng lượng xanh cũng phải xác định là không đánh đổi môi trường này để chạy theo cái tăng trưởng kinh tế đơn thuần, có 2 cái chuyển đổi từ sáng đến giờ chúng ta bàn rất nhiều. Đó là chuyển đổi số, để tập trung vào 3 trụ cột là hạ tầng số, chính quyền số và công dân số, rồi chống biến đổi khí hậu, tức là phải chuyển đổi năng lượng bãi rác thải carbon phải nét zezo vào năm 2050, giảm 30 % khí metan, liên quan đến chuyển đổi xanh chuyển đổi số về năng lượng này thì chúng tôi cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế chuyển đổi công bằng và công lý.” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính khẳng định, với chủ đề điều hành của năm 2022 là "Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển", Chính phủ Việt Nam sẽ căn cứ vào tình hình thực tế để chỉ đạo, điều hành một cách chủ động, quyết liệt, sáng tạo, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính; mong muốn cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ và nhân dân Việt Nam cùng vượt qua khó khăn đưa đất nước ngày càng phát triển bền vững.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu