Việt Nam và những đóng góp vì sự hợp tác nghị viện Đông Nam Á

Vân + Minh
Chia sẻ
(VOV5) - Quốc hội Việt Nam tiếp tục đưa ra các sáng kiến thúc đẩy hợp tác trong AIPA và ASEAN, khẳng định Việt Nam không chỉ là thành viên có trách nhiệm mà còn đóng vai trò dẫn dắt trong AIPA.

Sáng 21/11, Đại hội đồng Liên Nghị viện các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 43 (AIPA 43) với chủ đề “Cùng nhau tiến bộ vì một ASEAN tự cường, bao trùm và bền vững” khai mạc tại Thủ đô Phnom Penh của Campuchia.

Việt Nam và những đóng góp vì sự hợp tác nghị viện Đông Nam Á - ảnh 1Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp Ban Chấp hành AIPA. Ảnh: Doãn Tấn/ TTXVN

Tham gia AIPA 43, Quốc hội Việt Nam tiếp tục đưa ra các sáng kiến thúc đẩy hợp tác trong AIPA và ASEAN, khẳng định Việt Nam không chỉ là thành viên có trách nhiệm mà còn đóng vai trò dẫn dắt trong AIPA.

AIPA 43 là Đại hội đồng đầu tiên được tổ chức theo hình thức trực tiếp sau hơn 2 năm đại dịch Covid – 19. Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự AIPA 43 ở cấp cao nhất, do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu.

Thành viên chủ động, có trách nhiệm

Trong chặng đường 27 năm đồng hành cùng AIPO/AIPA (9/1995 - 9/2022), Quốc hội Việt Nam luôn tích cực đề xuất nhiều sáng kiến để cơ chế hợp tác liên nghị viện khu vực ngày càng trở nên hiệu quả hơn.

Việt Nam và những đóng góp vì sự hợp tác nghị viện Đông Nam Á - ảnh 2Quang cảnh Phiên họp Ban chấp hành AIPA-43. Ảnh: Doãn Tấn/ TTXVN

Nhìn lại lịch sử, ở những thời điểm khó khăn của khu vực, Quốc hội Việt Nam đều có những động thái kịp thời, cùng với nghị viện các nước thành viên AIPA góp phần giải quyết những vấn đề nảy sinh trong khu vực.

Năm 1998, một năm sau cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đưa ra sáng kiến tổ chức Hội nghị Ủy ban chuyên đề AIPO về Vai trò của cơ quan lập pháp các nước trước cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính khu vực tại Hà Nội. Đây là một trong những hội nghị chuyên đề cho thấy sự vào cuộc kịp thời của các cơ quan lập pháp trong nỗ lực cùng với ASEAN ứng phó với những khó khăn xảy đến cho khu vực.

Năm 2002, lần đầu tiên, Quốc hội Việt Nam đảm nhiệm cương vị Chủ tịch AIPO và tổ chức thành công Đại hội đồng AIPO 23 tại thủ đô Hà Nội. Đây là dấu mốc quan trọng trong hoạt động ngoại giao nghị viện của Quốc hội Việt Nam khi trong tổng số 33 nghị quyết được thông qua, có 20 nghị quyết do Việt Nam đề xuất.  Tiếp nối thành công của AIPO 23, năm 2010, Quốc hội Việt Nam lần thứ hai đảm nhiệm vai trò Chủ tịch AIPA và đăng cai Ðại hội đồng AIPA 31.

10 năm sau (năm 2020), do tác động của đại dịch COVID-19, Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức Đại hội đồng AIPA 41 – kỳ Đại hội đồng trực tuyến đầu tiên trong lịch sử AIPA; tiếp tục thể hiện vai trò dẫn dắt, thông qua việc đề xuất một loạt sáng kiến mang tính đột phá, như lần đầu tiên tổ chức Hội nghị không chính thức nghị sĩ trẻ AIPA, kết nạp thêm nghị viện quan sát viên sau 10 năm không mở rộng số lượng quan sát viên của AIPA.

Không chỉ thể hiện vai trò chủ động qua 3 lần đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch AIPO, AIPA, mà tại mỗi kỳ Đại hội đồng, Quốc hội Việt Nam đều chủ động đề xuất sáng kiến thúc đẩy mối quan hệ giữa AIPA và ASEAN. Bên cạnh đó, trên cơ sở xác định khu vực không thể tách rời thế giới, Việt Nam đã sáng kiến mời Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) tham dự Kỳ họp Đại hội đồng. Đây là những bước rất quan trọng trong tiến trình đưa AIPO/AIPA hội nhập quốc tế.

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết Năm Chủ tịch AIPA 2020 và Đại hội đồng AIPA 41 (tháng 12/2020), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: "Công tác đối ngoại đa phương của Quốc hội Việt Nam đã ghi dấu ấn đậm nét, đặc biệt là sự kết nối các tổ chức nghị viện mà Quốc hội Việt Nam là thành viên, qua đó phát huy được sức mạnh tổng thể, thu hút được sự tham gia đông đảo của nhiều nghị viện quốc tế và khu vực. Vai trò và vị thế của Quốc hội Việt Nam ngày càng được khẳng định mạnh mẽ hơn".

Tiếp tục đóng góp thiết thực tại AIPA 43

Trong năm 2022, cam kết của Quốc hội Việt Nam đối với AIPA tiếp tục được thể hiện thông qua sự tham gia tích cực tại các hội nghị trong khuôn khổ AIPA. Tại AIPA 43, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự các hoạt động chính trong khuôn khổ Đại hội đồng. Đây là cơ hội để Quốc hội Việt Nam tiếp tục đề xuất sáng kiến, chủ động đóng góp cho AIPA.

Ông Vũ Hải Hà, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, cho biết: "Chúng ta có những đóng góp, chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam và đóng góp vào quá trình xây dựng khu vực Đông Nam Á hòa bình, ổn định và phát triển, cùng nhau giải quyết những thách thức trong khu vực. Đối với kinh tế, chúng ta tập trung thảo luận vào chủ đề mà ASEAN quan tâm, đó là vấn đề chuyển đổi số, phục hồi kinh tế sau đại dịch, phục hồi du lịch".

Những đóng góp của Quốc hội Việt Nam trong AIPA trong 27 năm qua không chỉ khẳng định tiếng nói của Việt Nam tại các diễn đàn liên nghị viện mà còn nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại của Quốc hội Việt Nam, để Ngoại giao nghị viện góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh và uy tín của đất nước trong khu vực và trên thế giới.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu