Việt Nam và hành trình khắc phục hậu quả bom mìn

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Hậu quả của bom mìn hiện vẫn là vấn đề nhức nhối tại nhiều nước, tại nhiều khu vực trên thế giới. 

Ngày 4/4 - Ngày Quốc tế Nhận thức Bom mìn và Hỗ trợ hành động Bom mìn- được Liên hợp quốc tổ chức hằng năm, nhằm nâng cao nhận thức của con người về một thế giới không còn mối đe dọa về bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh. Với mục tiêu trở thành quốc gia không còn tác động của bom mìn, Việt Nam đã và đang nhân đôi nỗ lực ở trong và ngoài nước nhằm thúc đẩy khắc phục hậu quả bom mìn, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an toàn cho người dân.

Khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh được Đảng, Nhà nước Việt Nam xác định là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, nhằm bảo vệ an toàn cho nhân dân và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Việt Nam và hành trình khắc phục hậu quả bom mìn - ảnh 1Lực lượng Bộ đội Công binh xử lý bom sót lại sau chiến tranh. Ảnh: Minh Nhân

Hành trình gần 50 năm đem lại màu xanh cho đất

Ngay sau khi kết thúc chiến tranh, Việt Nam luôn ưu tiên bố trí nguồn lực lớn cho khắc phục hậu quả bom mìn. Ước tính, số bom mìn, vật liệu chưa nổ hiện nằm rải rác tại 63/63 tỉnh, thành phố Việt Nam, trong đó nhiều nhất ở các tỉnh miền Trung. Quảng Bình, Quảng Trị là những tỉnh có diện tích ô nhiễm bom mìn nhiều nhất, có nơi có tới trên 80% diện tích ô nhiễm bom mìn.

Những năm qua, nhất là từ khi có chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn (năm 2010), Việt Nam đã đẩy nhanh tiến độ khắc phục hậu quả bom mìn tại những vùng bị ô nhiễm. Với hơn 6,1 triệu ha diện tích nghi ngờ ô nhiễm bom mìn, bình quân mỗi năm Việt Nam rà phá, làm sạch được khoảng 30.000ha.

Cùng với Trung tâm Hành động bom mìn Quốc gia Việt Nam được thành lập cách đây 10 năm, mới đây Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2023 - 2025. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu tăng cường tối đa mọi nguồn lực để giảm thiểu và hạn chế cơ bản những ảnh hưởng của bom mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Việt Nam và hành trình khắc phục hậu quả bom mìn - ảnh 2Thiếu tướng Nguyễn Thành Định, Phó Chủ tịch Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam. Ảnh: VOV

Thiếu tướng Nguyễn Thành Định, Phó Chủ tịch Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam, khẳng định: "Đảng và Nhà nước Việt Nam quyết tâm tăng cường nguồn lực, đẩy mạnh rà phá bom mìn cũng như hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn, huy động các nguồn lực trong nước và quốc tế để tập trung đẩy nhanh, khắc phục hậu quả, giúp người dân có điều kiện sản xuất, có mặt bằng đất đai để mà xây dựng các công trình."

Cùng với nỗ lực rà phá bom mìn, hỗ trợ nạn nhân bom mìn, Việt Nam đã triển khai rất nhiều hoạt động truyền thông, tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn cho người dân.

Trung tá Đậu Phi Trường, Trung tâm Hành động bom mìn Quốc gia Việt Nam, cho biết: "Thời gian qua, truyền thông và công cụ truyền thông được sử dụng rất hiệu quả, thông qua các hệ thống truyền thông để tuyên truyền đến cho toàn bộ người dân hiểu được nguy hại của bom mìn. Bên cạnh đó, việc giáo dục và tuyên truyền trực tiếp cũng được nhấn mạnh ở vùng lõi, vùng ô nhiễm bom mìn, chẳng hạn như tổ chức những cuộc thi đại sứ học đường ở trường học, qua đó có thể truyền thông điệp đấy đến người dân những vùng lõi ô nhiễm. Ngoài ra, tuyên truyền thông qua những buổi họp dân, tiếp xúc cử tri để nâng cao nhận thức, hiểu biết hậu quả bom mìn trên những vùng đất còn ô nhiễm."

Tăng cường hợp tác quốc tế, vì một thế giới an toàn hơn

Hậu quả của bom mìn hiện vẫn là vấn đề nhức nhối tại nhiều nước, tại nhiều khu vực trên thế giới. Việt Nam luôn đề cao tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức cộng đồng cũng như việc cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong khắc phục hậu quả bom mìn. Việt Nam đã tham gia vào nhiều cơ chế hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này như Công ước cấm hoặc hạn chế sử dụng một số loại vũ khí thông thường có thể gây sát thương quá mức hoặc có tác động không phân biệt; Công ước cấm bom đạn chùm; Vận động tài trợ các nước, các tổ chức quốc tế và phi chính phủ phục vụ công tác khắc phục hậu quả bom mìn ở Việt Nam…

Công tác khắc phục hậu quả chiến tranh nói chung và khắc phục hậu quả bom mìn nói riêng ở Việt Nam còn nhiều gian nan, Việt Nam xác định tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế, mở rộng quan hệ với các quốc gia, các tổ chức quốc tế.

Quyết tâm này được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Việt Nam sẽ tiếp tục tích cực, chủ động trong công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, Việt Nam đề nghị Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ tiếp tục đồng hành, đưa Việt Nam sớm thoát khỏi sự ảnh hưởng của bom mìn do chiến tranh để lại. Chúng ta hãy cùng nhau xây dựng lòng tin, chung tay gìn giữ hòa bình, tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác cùng phát triển, đem lại sự an toàn, hạnh phúc cho mọi người dân."

Hưởng ứng Ngày Quốc tế nhận thức bom mìn và hỗ trợ hành động bom mìn của Liên hợp quốc, Việt Nam một lần nữa gửi đi thông điệp: Việt Nam nỗ lực hành động để ngăn chặn chiến tranh, xung đột vũ trang để các dân tộc trên thế giới không còn phải gánh chịu hậu quả đau thương do bom mìn để lại, vì một thế giới an toàn.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu