Việt Nam ưu tiên tuân thủ Hiến chương Liên Hợp Quốc

Ánh Huyền tổng hợp
Chia sẻ
(VOV5) - Đây là sự kiện dấu ấn quan trọng trong tháng đầu tiên Việt Nam tham gia HĐBA. Chủ đề phiên thảo luận do Việt Nam đề xuất.

Việt Nam đã chính thức triển khai các công việc trên cương vị Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 và Chủ tịch luân phiên HĐBA LHQ tháng 1/2020 bằng chủ trì phiên thảo luận mở cấp Bộ trưởng của HĐBA LHQ.

Với chủ đề 'Kỷ niệm 75 năm LHQ: Tuân thủ Hiến chương để duy trì hòa bình và an ninh quốc tế”, Việt Nam ưu tiên đề cao việc tuân thủ Hiến chương LHQ trong ngoại giao phòng ngừa, bảo vệ người dân trong xung đột, biến đổi khí hậu…

Đây là sự kiện dấu ấn quan trọng trong tháng đầu tiên Việt Nam tham gia HĐBA. Chủ đề phiên thảo luận do Việt Nam đề xuất.

Việt Nam ưu tiên tuân thủ Hiến chương Liên Hợp Quốc - ảnh 1Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì phiên thảo luận mở của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.  - Ảnh: Phạm Huân/VOV

Trọng trách mới trong bối cảnh đầy thách thức

Có thể khẳng định, phiên thảo luận mở cấp bộ trưởng do Việt Nam sáng kiến, diễn ra cũng đúng vào thời điểm đang có rất nhiều vấn đề xảy ra trên thế giới, nhất là các cuộc xung đột, các mối đe dọa đang hiện hữu ở nhiều nơi và trong đó có những vấn đề liên quan đến việc tuân thủ Hiến chương LHQ. Do đó, chủ đề này đã lôi cuốn được sự quan tâm rất lớn của tất cả các nước thành viên LHQ chứ không chỉ các nước ủy viên trong HĐBA. Trước đây, chưa từng có cuộc thảo luận mở nào của HĐBA mà lại thu hút sự tham gia của các thành viên của LHQ nhiều như vậy. Hơn 110 nước đã tham gia đăng ký phát biểu. Đây có thể nói là con số đông đảo nhất từ trước tới nay đối với một cuộc thảo luận mở của HĐBA LHQ. Trong những năm gần đây, HĐBA cũng đã tổ chức một số phiên thảo luận mở liên quan đến Hiến chương LHQ, nhưng lần này HĐBA tổ chức vẫn cuốn hút được rất nhiều nước tham gia.

Năm 2020 cũng là năm kỷ niệm tròn 75 năm Liên Hợp Quốc ra đời. Chọn chủ đề “Kỷ niệm 75 năm LHQ: Tuân thủ Hiến chương để duy trì hòa bình và an ninh quốc tế” trong tháng đầu tiên làm Chủ tịch HĐBA, Việt Nam mong muốn khẳng định lại một lần nữa tầm quan trọng của tổ chức này trong đó vai trò hàng đầu là gìn giữ hòa bình và an ninh thế giới.

Việt Nam ưu tiên tuân thủ Hiến chương Liên Hợp Quốc - ảnh 2Phó Thủ tướng, Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh- Ảnh TTXVN 

Trong thời điểm hiện nay, các nước càng cần phải tuân thủ Hiến chương LHQ, đặc biệt đối với các nước là ủy viên HĐBA LHQ. Cũng tại cuộc thảo luận mở này, lần đầu tiên trong lịch sử LHQ, tổ chức này đã đưa ra được một Tuyên bố về thảo luận mở liên quan đến Hiến chương LHQ. Các cuộc thảo luận về Hiến chương LHQ trước đây kể từ khi LHQ ra đời chưa bao giờ ra được tuyên bố của Chủ tịch HĐBA như vậy. Điều đó nói lên tầm quan trọng cũng như thành công của phiên thảo luận mở, đồng thời cũng là sáng kiến của Việt Nam ngay từ tháng đầu tiên Việt Nam là thành viên của HĐBA, cũng như là tháng đầu tiên Việt Nam là Chủ tịch HĐBA LHQ.

Đề cao việc tuân thủ Hiến chương LHQ

Khi tham gia HĐBA, Việt Nam đặt ra những ưu tiên riêng của mình. Nhưng những ưu tiên đó của Việt Nam cũng phù hợp với những ưu tiên chung của HĐBA LHQ, cũng như của các thành viên của LHQ. Ưu tiên của Việt Nam trong tình hình hiện nay là việc tuân thủ Hiến chương LHQ, làm sao để các nước phải tuân thủ Hiến chương LHQ. Vấn đề thứ hai là phải ngăn chặn xung đột hay còn gọi là ngoại giao phòng ngừa, bảo vệ dân thường trong xung đột và bảo vệ phụ nữ và trẻ em trong xung đột cũng là ưu tiên của Việt Nam cũng như các nước HĐBA. Là một nước đã từng trải qua chiến tranh nên Việt Nam cũng có kinh nghiệm trong giải quyết những hậu quả chiến tranh, như vấn đề tháo gỡ bom mìn. Đây là lĩnh vực mà Việt Nam mong muốn được chia sẻ.

Việt Nam đảm nhiệm trọng trách mới trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều biến chuyển sâu sắc. Trong khi nhiều cuộc xung đột kéo dài ở châu Phi chưa tìm được giải pháp căn cơ, căng thẳng có chiều hướng leo thang ở Trung Đông và những điểm nóng tiềm tàng có nguy cơ bùng phát ở một số khu vực, kể cả châu Á - Thái Bình Dương. Những hành vi đơn phương, cường quyền, không tôn trọng luật pháp quốc tế, sử dụng và đe doạ sử dụng vũ lực, xâm phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, can thiệp vào công việc nội bộ các quốc gia… cũng thách thức trực tiếp hoà bình và an ninh quốc tế. Mặc dù hoà bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo, nhưng cọ xát chiến lược giữa các nước lớn gia tăng, dẫn tới nhiều hệ luỵ phức tạp, nhất là về chính trị, an ninh.

Tham gia HĐBA trong bối cảnh nhiều thách thức đó, Việt Nam kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá, nỗ lực thúc đẩy đối thoại, giảm căng thẳng, đối đầu, tìm giải pháp công bằng, hợp lý, cho các vấn đề đe doạ hoà bình, an ninh khu vực và quốc tế; thúc đẩy tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương LHQ. Việt Nam sẽ đề cao tinh thần “đối tác vì hòa bình bền vững” với nhiều nội hàm quan trọng về ngăn ngừa xung đột, kiến tạo hoà bình, tái thiết hậu xung đột, tăng cường chủ nghĩa đa phương và các thể chế đa phương, nhất là LHQ.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu