Việt Nam tích cực thúc đẩy hợp tác Mekong - Hàn Quốc

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5)- Việt Nam tiếp tục có những đóng góp thiết thực, góp phần nâng cao hiệu quả cơ chế hợp tác Mekong-Hàn Quốc.

(VOV5)- Việt Nam tiếp tục có những đóng góp thiết thực, góp phần nâng cao hiệu quả cơ chế hợp tác Mekong-Hàn Quốc.

Hội nghị Bộ trưởng Mekong – Hàn Quốc lần thứ 4 vừa kết thúc hôm qua tại Hàn Quốc với kết quả quan trọng là thông qua Kế hoạch Hành động giai đoạn 2014 – 2017 và Quy trình sử dụng Quỹ hợp tác Mekong – Hàn Quốc. Đây là bước tiến quan trọng kể từ khi cơ chế hợp tác Mekong-Hàn Quốc ra đời năm 2011. Tham gia hội nghị lần này, Việt Nam tiếp tục khẳng định nỗ lực của mình trong thúc đẩy hợp tác Mekong-Hàn Quốc, đồng thời tăng cường quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Hàn Quốc nói riêng, các nước Mekong khác nói chung.

Hợp tác Mekong - Hàn Quốc được hình thành vào năm 2011 do sáng kiến của Hàn Quốc bao gồm sự tham gia của Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và Hàn Quốc. Kể từ Hội nghị Bộ trưởng Mekong-Hàn Quốc lần thứ nhất được tổ chức tại Seoul năm 2011, cơ chế hợp tác Mekong-Hàn Quốc đã và đang chứng tỏ hiệu quả ngày càng cao, cả trên lĩnh vực chính trị và kinh tế.


Việt Nam tích cực thúc đẩy hợp tác Mekong - Hàn Quốc - ảnh 1
Bộ trưởng các nước tham dự Hội nghị. Ảnh: TTXVN

Từ Tuyên bố sông Hàn đến Kế hoạch hành động Mekong-Hàn Quốc

Tháng 10/2011, Hội nghị Bộ trưởng Mekong-Hàn Quốc lần thứ nhất đã thông qua Tuyên bố sông Hàn về thiết lập “Quan hệ đối tác toàn diện giữa các nước Mekong và Hàn Quốc vì thịnh vượng chung”, theo đó xác định ba lĩnh vực hợp tác ưu tiên, gồm kết nối ASEAN, phát triển bền vững và phát triển vì con người. Các trọng tâm mà hợp tác Mekong-Hàn Quốc hướng tới là phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, công nghệ thông tin, môi trường, quản lý tài nguyên nước, nông nghiệp và an ninh lương thực. Cũng tại Hội nghị này, Hàn Quốc cam kết tăng gấp đôi viện trợ ODA (vốn hỗ trợ phát triển chính thức) cho các nước ASEAN đến năm 2015, trong đó chủ yếu dành cho khu vực Mekong.

Năm 2012, Hàn Quốc quyết định thành lập Quỹ viện trợ nhằm hỗ trợ các dự án phát triển tại 5 quốc gia Đông Nam Á. Quỹ này, với số tiền sẽ gia tăng dần dần, được chi tiêu tách biệt dựa vào viện trợ chính thức song phương của Hàn Quốc với từng nước trong khu vực Mekong. Và tại Hội nghị cấp ngoại trưởng lần này tại Seoul, Hàn Quốc, các ngoại trưởng của 6 nước đã nhất trí thông qua Kế hoạch hành động 3 năm nhằm mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, phát triển xanh và công nghệ thông tin. Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn cho biết: Thứ nhất, tăng cường các dự án hợp tác, kết nối tiểu vùng Mekong, đặc biệt là kết nối hạ tầng giao thông, tiếp vận, năng lượng, nhằm thúc đẩy liên kết và hội nhập khu vực kinh tế. Thứ hai là các dự án kết nối trong chuỗi giá trị chung của các nước tiểu vùng Mekong nhằm phát huy tốt nhất lợi thế bổ sung của các nước Mekong và Hàn Quốc trong lĩnh vực chế tạo, chế biến nông nghiệp, tăng trưởng xanh. Thứ ba, phát triển quan hệ đối tác công-tư nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia sâu hơn và hiệu quả hơn trong hợp tác Mekong-Hàn Quốc.

Cũng theo kế hoạch hành động này, trong vòng 3 năm tới, Hàn Quốc sẽ thành lập trung tâm nghiên cứu giao thông ở vùng sông Mekong để hỗ trợ 5 nước khu vực. Hàn Quốc cũng sẽ cung cấp hỗ trợ tái tạo rừng cho 5 nước Đông Nam Á thông qua Tổ chức Hợp tác rừng châu Á.

Thời điểm vàng cho cơ hội hợp tác

Tiềm năng hợp tác giữa Hàn Quốc và các nước tiểu vùng sông Mekong vốn rất lớn. Đó là lực lượng nhân công trẻ, dồi dào, tốc độ phát triển ổn định ở các nước Mekong, đồng thời có nhiều điểm tương đồng về văn hóa….Tuy nhiên, việc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang tiến gần tới đích hình thành cộng đồng ASEAN vào năm tới mới chính là động lực lớn để đưa hợp tác Mekong-Hàn Quốc cất cánh. Một ASEAN trở thành một thị trường chung, một cộng đồng kinh tế chung đang mở ra những cơ hội to lớn cho bản thân các nước ASEAN nói chung, các nước Mekong nói riêng, cũng như các nhà đầu tư ở khu vực Châu Á, trong đó có Hàn Quốc. Nhận thức rõ điều này, Hàn Quốc nỗ lực đẩy mạnh hợp tác để biến những cơ hội này trở thành hiện thực, trong đó một nhiệm vụ trọng tâm là tăng cường kết nối hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực ở khu vực tiểu vùng Mekong.

Việt Nam nỗ lực thúc đẩy cơ chế hợp tác Mekong-Hàn Quốc

Là một trong những nước nhận được đầu tư lớn nhất của Hàn Quốc, Việt Nam luôn  đóng vai trò tích cực thúc đẩy sự hợp tác hiệu quả hơn giữa Mekong và Hàn Quốc. Không chỉ là một cầu nối tích cực giúp thúc đẩy mối quan hệ hợp tác này, Việt Nam cũng đang là điểm đến tiềm năng được nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc và các nước khu vực đánh giá cao. Ông Đặng Xuân Quang, Phó Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và đầu tư khẳng định: “Hàn Quốc luôn luôn là một trong những đối tác dẫn đầu trong việc đầu tư vào Việt Nam. Nhiều nhà đầu tư lớn của Hàn Quốc đã đầu tư  dự án rất lớn vào Việt Nam. Qua đó, có thể thấy niềm tin dài hạn của họ đối với môi trường đầu tư của Việt Nam.

Trong tiến trình hội nhập quốc tế mạnh mẽ, kể từ khi tham gia quan hệ đối tác vì sự thịnh vượng chung giữa các nước Mekong và Hàn Quốc, Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực vào quan hệ hợp tác này. Năm 2014 là năm giao lưu Mekong–Hàn Quốc và cũng là năm đầu tiên các nước Mekong-Hàn Quốc xây dựng và thực hiện chương trình hành động Mekong–Hàn Quốc. Việt Nam tiếp tục có những đóng góp thiết thực, góp phần nâng cao hiệu quả cơ chế hợp tác Mekong-Hàn Quốc trong giai đoạn tới./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu