Việt Nam tích cực cùng cộng đồng quốc tế chống biến đổi khí hậu

Chia sẻ
(VOV5) -Đồng bằng sông Cửu Long là 1 trong 3 đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng. 

Từ ngày 18/06 đến 20/6, tại Cần Thơ, diễn ra Hội nghị ASEM về cùng hành động ứng phó biến đổi khí hậu nhằm đạt các mục tiêu phát triển bền vững định hướng tương lai. Hội nghị không chỉ thể hiện đóng góp của Việt Nam cho nỗ lực của ASEM và toàn cầu, mà còn là cơ hội để Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam tranh thủ sự ủng hộ và hợp tác của các đối tác Á-Âu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Việt Nam tích cực cùng cộng đồng quốc tế chống biến đổi khí hậu - ảnh 1Ảnh minh họa/ phapluatmoitruong.vn)

Sáng kiến của Việt Nam về việc tổ chức Hội nghị được nhiều nước ủng hộ, tham gia đồng bảo trợ như: Australia, Đan Mạch, Myanmar, Phần Lan, Hà Lan và Italy.

Đây là hội nghị tầm liên khu vực Á - Âu và là hoạt động quan trọng nhất của Việt Nam đăng cai trong khuôn khổ ASEM 2018, cũng là sáng kiến đầu tiên của ASEM trong lĩnh vực này.

Thúc đẩy hợp tác Á – Âu về chống biến đổi khí hậu

Hội nghị ASEM về cùng hành động ứng phó biến đổi khí hậu có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh hành động nhằm triển khai thỏa thuận Paris vào Chương trình Nghị sự 20, Nghị sự 30 về biến đổi khí hậu. Hội nghị là diễn đàn trao đổi kinh nghiệm và thúc đẩy hợp tác, tranh thủ sự ủng hộ và hỗ trợ của các thành viên ASEM.

Điều này biểu hiện cụ thể qua các nội dung được bàn thảo tại Hội nghị như thực trạng triển khai Chương trình nghị sự 2030 vì phát triển bền vững, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu – cơ hội cho phát triển bền vững; chuyển đổi sang nền kinh tế các-bon thấp; tài trợ cho phát triển và ứng phó BĐKH; ứng phó BĐKH trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0…

Hội nghị cũng là cơ hội để các quốc gia trong ASEM cùng phối hợp xây dựng năng lực thích ứng biến đổi khí hậu thông qua thực tiễn và bài học kinh nghiệm tại châu Á và châu Âu trong phòng chống thiên tai, quản lý bền vững nguồn nước, năng lượng tái tạo, công nghệ sạch, nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu…

Vai trò và sự tham gia của các bên liên quan như các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp, địa phương, các quỹ tài chính, các tổ chức chính trị – xã hội, phụ nữ, thanh niên, các tổ chức khu vực, quốc tế trong quá trình ứng phó với biến đổi khí hậu cũng được nhấn mạnh trong khuôn khổ Hội nghị.

Đáng chú ý, không dừng ở việc thảo luận, các đại biểu tham dự Hội nghị cũng thúc đẩy quan hệ đối tác khí hậu Á – Âu thông qua các đề xuất tăng cường hợp tác thích ứng biến đổi khí hậu như chuyển giao công nghệ, lập mạng lưới, hệ thống đánh giá chung; nâng tầm đóng góp cho nỗ lực toàn cầu…

Cơ hội cho Việt Nam

Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, trong đó Đồng bằng sông Cửu Long là 1 trong 3 đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng. Biến đổi khí hậu tại Việt Nam đe dọa nghiêm trọng đến an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp.  

Trước thực trạng trên, những năm qua, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nói chung, thành phố Cần Thơ nói riêng đã và đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó nhiều dự án, công trình được triển khai thực hiện từ công tác phối hợp, tài trợ của các tổ chức quốc tế. Qua đó, góp phần hạn chế tác hại và thích ứng dần với biến đổi khí hậu. Hội nghị ASEM lần này với các nội dung trọng tâm xoay quanh về biến đổi khí hậu là mối quan tâm lớn của các tỉnh, thành phố trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Hội nghị là cơ hội tốt để ngành tài nguyên và môi trường các tỉnh, thành phố học hỏi kinh nghiệm ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển năng lượng tái tạo, quản lý bền vững nguồn nước, huy động các bên cùng tham gia ứng phó với biến đổi khí hậu...

Hội nghị ASEM về cùng hành động ứng phó biến đổi khí hậu diễn ra trong bối cảnh ngày càng nhiều quốc gia chịu những tác động tiêu cực từ các thảm họa thiên tai. Việc thúc đẩy hợp tác liên khu vực Á – Âu trong bối cảnh này là cơ hội tốt để đảm bảo phát triển bền vững của từng quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu