Việt Nam – Thành viên tích cực, chủ động của diễn đàn đa phương Liên hợp quốc

Chia sẻ
(VOV5) - Thủ tướng Phạm Minh Chính đang tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao khóa 78 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, diễn ra tại New York, Mỹ.

Tham dự sự kiện và các hoạt động liên quan khác, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ truyền tải thông điệp về một Việt Nam yêu chuộng hòa bình, là thành viên có trách nhiệm, tích cực, chủ động và hiệu quả vào công việc chung của Liên Hợp Quốc. Sự tham dự của Thủ tướng cũng đúng vào dịp kỷ niệm 46 năm Việt Nam là thành viên chính thức của Liên hợp quốc (20/9/1977-20/9/2023), thể hiện cam kết và quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam trong hợp tác xử lý các thách thức toàn cầu.

Việt Nam – Thành viên tích cực, chủ động của diễn đàn đa phương Liên hợp quốc - ảnh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Hoa Kỳ, bắt đầu chuyến công tác tham dự Tuần lễ Cấp cao Đại hội đồng LHQ và hoạt động song phương tại Hoa Kỳ. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tuần lễ Cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc (18-26/9) diễn ra trong bối cảnh thế giới đối mặt với nhiều thách thức, như: căng thẳng địa chính trị, triển vọng kinh tế thế giới bấp bênh, biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sinh kế và cuộc sống của người dân trên khắp các châu lục…. Những vấn đề này là thách thức chung đối với hoà bình, an ninh và phát triển của thế giới mà rõ ràng không một quốc gia riêng lẻ nào có thể tự giải quyết được.

Với chủ đề “Xây dựng lại lòng tin và thúc đẩy đoàn kết toàn cầu: Tăng cường hành động về Chương trình Nghị sự 2030 và các mục tiêu phát triển bền vững hướng tới hòa bình, thịnh vượng, tiến bộ và bền vững cho tất cả mọi người”, Tuần lễ Cấp cao năm nay là dịp để các nước cùng tái khẳng định sự đoàn kết quốc tế, cam kết đối với chủ nghĩa đa phương trong đó Liên hợp quốc giữ vai trò trung tâm, đồng thời chia sẻ ý tưởng và kinh nghiệm, định hình các tầm nhìn, chiến lược dài hạn và tìm kiếm các giải pháp hợp tác ứng phó với những thách thức chung.

Việt Nam tiếp nối dấu ấn thành công tại Liên hợp quốc

Việt Nam tham dự Tuần lễ Cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc trong bối cảnh năm vừa qua, Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò, có nhiều đóng góp cho công việc chung của Liên hợp quốc, trong đó nổi bật là đảm nhiệm thành công vị trí Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77.

Việt Nam đã tham gia sâu rộng, góp phần thúc đẩy Đại hội đồng thông qua một chương trình nghị sự bao trùm mọi khía cạnh của đời sống quốc tế, tham gia đầy đủ vào quá trình đề xuất, hoạch định những quyết định quan trọng của thế giới. Nổi bật là Việt Nam đã chủ trì Đại hội đồng Liên hợp quốc thảo luận và thông qua Nghị quyết yêu cầu Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), đưa ra ý kiến tư vấn đối với vấn đề biến đổi khí hậu, các nghị quyết về việc tổ chức Phiên họp cấp cao về sẵn sàng phòng chống và ứng phó với dịch bệnh, bao phủ bảo hiểm y tế toàn cầu, bệnh lao, thúc đẩy các nội dung thảo luận tại Hội nghị của Liên hợp quốc về nước… Sự tham gia chủ động và tích cực của Việt Nam đều nhằm đóng góp một cách cụ thể, thực chất vào công việc chung và các ưu tiên lớn của Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế; đóng góp vào thúc đẩy hợp tác, đoàn kết quốc tế. Việt Nam chủ động đề xuất các sáng kiến, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả triển khai công việc, đề cao đối thoại xây dựng để thu hẹp các khác biệt, tạo dựng đồng thuận và tiếng nói chung giữa các nước.

Ngoài ra, Việt Nam đang đảm nhiệm vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025, Ủy ban Luật pháp quốc tế 2023-2027, Hội đồng Chấp hành Tổ chức Văn hóa-Khoa học-Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) (2021-2025), Ủy ban Liên chính phủ Công ước Di sản phi vật thể (2022-2026)…

Việt Nam – Thành viên tích cực, chủ động của diễn đàn đa phương Liên hợp quốc - ảnh 2

Việt Nam yêu chuộng hòa bình, thành viên có trách nhiệm, tham gia tích cực hơn, chủ động và hiệu quả hơn vào công việc chung của Liên Hợp Quốc trong xử lý các thách thức toàn cầu. Ảnh: baochinhphu.vn

Khẳng định cam kết và quyết tâm cùng Liên hợp quốc thực hiện các mục tiêu

Tiếp theo những dấu ấn và kết quả quan trọng tại diễn đàn đa phương Liên hợp quốc, việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Tuần lễ Cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 78, phát biểu trước toàn thể Đại hội đồng và một số Hội nghị đa phương cấp cao quan trọng cùng nhiều hoạt động, trao đổi, tiếp xúc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Thông qua đó, Việt Nam khẳng định quan điểm xuyên suốt của mình luôn lấy con người là trung tâm, là động lực của mọi quyết sách và đây cũng chính là nguyên tắc định hướng mà Liên hợp quốc luôn phấn đấu theo đuổi. Trong bối cảnh suy giảm niềm tin giữa các quốc gia và hợp tác đa phương gặp nhiều thách thức, trở ngại, Việt Nam tái khẳng định tích cực triển khai các cam kết quốc tế, sẵn sàng thực hiện các nghĩa vụ và trách nhiệm của quốc gia thành viên trên tất cả các lĩnh vực. Trên thực té, Việt Nam đã và đang mở rộng quy mô tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, góp phần ngăn ngừa xung đột, xây dựng hòa bình ở các điểm nóng ở châu Phi; tích cực chuyển đổi năng lượng, nỗ lực đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs); đề cao luật pháp quốc tế…

Kể từ khi Việt Nam trở thành thành viên thứ 149 của Liên hợp quốc vào ngày 20/9/1977, Việt Nam là quốc gia luôn nghiêm túc thực hiện Hiến chương Liên hiệp quốc, nỗ lực bảo vệ, đề cao sự cần thiết tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hiệp quốc và luật pháp quốc tế. Sự tương đồng về những giá trị và nguyên tắc quan trọng đã tạo nền tảng cho quan hệ hợp tác, đối tác giữa Việt Nam và Liên hợp quốc. Những giá trị mà Liên hợp quốc thúc đẩy cũng chính là những giá trị mà Việt Nam qua nhiều thế hệ đã phấn đấu bảo vệ, đó là hòa bình, độc lập dân tộc và công lý.

Việc Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự các hoạt động tại Tuần lễ Cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc lần này, lại đúng vào dịp kỷ niệm 46 năm Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc, có ý nghĩa đặc biệt để Việt Nam thể hiện quyết tâm cùng cộng đồng quốc tế chia sẻ những kinh nghiệm, không chỉ trong đấu tranh vì độc lập và các nguyên tắc luật pháp quốc tế, trong tái thiết, phát triển bao trùm, mà còn trong nỗ lực thực hiện các mục tiêu chung toàn cầu.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu