Việt Nam sẵn sàng bứt phá

Hồng Vân - Lê Phương
Chia sẻ
(VOV5) - Năm nay là năm bứt phá để Việt Nam cán đích các mục tiêu phát triển. Việt Nam đã sẵn sàng chuyển đổi từ “tăng trưởng bình bình” ở mức 6-7% sang những bước đột phá, mạnh mẽ hơn.

Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của Việt Nam, là năm tăng tốc, bứt phá về đích, là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và chuẩn bị, củng cố các yếu tố nền tảng, làm tiền đề để đất nước tự tin bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc. Việt Nam đã vượt qua sóng gió để sẵn sàng bứt phá trong năm 2025.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:
 

Việt Nam: Sự lựa chọn

Việt Nam sẵn sàng bứt phá - ảnh 1Thủ tướng Phạm Minh Chính và ông Jensen Huang, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn NVIDIA (Hoa Kỳ) chứng kiến Lễ ký Thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Tập đoàn NVIDIA. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

"Hôm nay là ngày khai sinh của NVIDIA Việt Nam! Cảm ơn các bạn vì đã chào đón chúng tôi đến với Việt Nam và biến Việt Nam trở thành ngôi nhà của NVIDIA. Hôm nay là sinh nhật của chúng tôi. Chào mừng các bạn đến dự tiệc sinh nhật của chúng tôi"Đây là lời tuyên bố của nhà sáng lập kiêm CEO NVIDIA - Công ty đắt giá nhất thế giới, Jensen Huang, hôm 05/12, tại Hà Nội, khi chứng kiến lễ ký kết thành tập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) – VRDC, cùng với Trung tâm Dữ liệu AI tại Việt Nam. Nhà lãnh đạo NVIDIA khẳng định: “Chúng tôi tin tưởng Việt Nam sẽ là ngôi nhà thứ 2 của NVIDIA và là trung tâm lớn nhất của NVIDIA trên thế giới”.

NVIDIA cũng cam kết sẽ dịch chuyển các nhà máy trong chuỗi cung ứng sản xuất sang Việt Nam trong thời gian tới với giá trị đầu tư của các nhà máy lên tới nhiều tỷ USD. Đây là “cú hích” quan trọng, giúp Việt Nam có bước nhảy vọt về công nghệ trong thời gian tới. Ông Raymond Teh, Phó Chủ tịch Tập đoàn NVIDIA, cho biết: "Điều mà lãnh đạo NVIDIA nhìn thấy ở người Việt Nam đó chính là tinh thần và văn hoá đổi mới sáng tạo vô cùng mạnh mẽ. Việt Nam đang sở hữu một nguồn nhân lực trẻ có kỹ năng về công nghệ phần mềm vô cùng dồi dào. Do đó, NVIDIA cam kết sẽ đưa Việt Nam trở thành ngôi nhà thứ hai của công ty ở châu Á. NVIDIA muốn đầu tư một trung tâm nghiên cứu R&D ở Việt Nam để tận dụng năng lực và kỹ năng về công nghệ phần mềm của Việt Nam".
Việt Nam sẵn sàng bứt phá - ảnh 2Các đại biểu tham dự Lễ Công bố Thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Tập đoàn NVIDIA. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trước NVIDIA, hồi tháng 4, CEO Tim Cook của tập đoàn công nghệ Apple (Mỹ) tới Việt Nam và đến tháng 12, Google thông báo Công ty TNHH Google Việt Nam sẽ chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/04/2025. Cuối tháng 9, SpaceX của tỷ phú Elon Musk công bố kế hoạch đầu tư 1,5 tỷ USD vào Việt Nam. Tập đoàn công nghệ Meta của tỷ phú Mark Zuckerberg cũng nhiều lần đưa ra tuyên bố về triển vọng đầu tư tại Việt Nam. Ông Nick Clegg, Chủ tịch phụ trách Quan hệ toàn cầu của Tập đoàn Meta, chia sẻ: "Meta có những kế hoạch đầy tham vọng tại Việt Nam. Meta hoàn toàn tin tưởng vào Việt Nam như 1 điểm đến cho các khoản đầu tư của chúng tôi. Meta mong muốn hỗ trợ Việt Nam trở thành 1 quốc gia dẫn đầu về phát triển AI cả trong khu vực và trên toàn thế giới".

Marvell, nhà thiết kế chip tỷ USD của Mỹ, cũng đang tăng tốc mở rộng hoạt động ở Việt Nam. Ông Lê Quang Đạo, Tổng Giám đốc Công ty Marvell Việt Nam, cho biết: "Việc thành lập văn phòng Marvell Việt Nam tại thành phố Đà Nẵng là cột mốc quan trọng đầu tiên, viên gạch đầu tiên phát triển trong tương lai. Cam kết của Marvell Việt Nam đối với Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung là sự phát triển lâu dài".

Ông Dan Martin, Cố vấn kinh doanh quốc tế Công ty Dezan Shira & Associates, đánh giá: "Tôi cho rằng những khoản đầu tư này cũng phản ánh niềm tin vào tương lai của Việt Nam. Việc NVIDA thiết lập trung tâm R&D, Google thành lập công ty, Foxconn mở rộng các nhà máy… là những dấu hiệu cho thấy Việt Nam không chỉ là 1 trung tâm sản xuất nữa, mà nơi đây đang chuyển mình trở thành 1 trung tâm đổi mới sáng tạo".  

Việc nằm ở vị trí chiến lược tại Đông Nam Á, gần các thị trường Trung Quốc, Ấn Độ dễ dàng cho giao thương; sự ổn định về chính trị cùng với thái độ chào đón của lãnh đạo Việt Nam giúp các nhà đầu tư tin tưởng hơn khi kinh doanh tại Việt Nam. Bên cạnh đó là chính sách thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với nhiều ưu đãi trong lĩnh vực công nghệ cao; thị trường hơn 100 triệu dân, đầy tiềm năng để tiêu thụ các sản phẩm công nghệ; quyết tâm cao của Chính phủ trong phát triển kinh tế số… Tất cả các yếu tố đó đã khiến Việt Nam trở thành sự lựa chọn của các ông lớn công nghệ trên thế giới.

Chuyển đổi từ tăng trưởng bình bình sang bước đột phá mạnh mẽ

Năm nay là năm bứt phá để Việt Nam cán đích các mục tiêu phát triển. Việt Nam đã sẵn sàng chuyển đổi từ “tăng trưởng bình bình” ở mức 6-7% sang những bước đột phá, mạnh mẽ hơn.

Việt Nam sẵn sàng bứt phá - ảnh 3 Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều 12/11. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trong các giải pháp để có đột phá phải kể đến cải thiện thể chế nhằm huy động các nguồn lực khác nhau, từ trong nước lẫn bên ngoài để đầu tư các dự án mang tính bứt phá cho sự phát triển. Trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: "Ưu tiên hiện nay của chúng ta là tăng trưởng. Để tăng trưởng phải có nguồn lực. Do đó, phải tháo gỡ thể chế để huy động mọi nguồn lực của Nhà nước, nhân dân, xã hội, nguồn lực hợp tác công – tư, nguồn lực đầu tư nước ngoài trực tiếp và gián tiếp… Chúng ta phải tập trung hoàn thiện thể chế. Thể chế rất quan trọng, là mục tiêu, động lực, là nguồn lực cho sự phát triển. Muốn đột phá cũng phải đột phá từ thể chế".

Ngoài thể chế, để Việt Nam chuyển mình, bứt phá còn đòi hỏi sự đổi mới tư duy và hành động của bộ máy chính quyền. Điều đáng mừng là tất cả những bất cập của hệ thống đã được các lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước chỉ ra. Tổng Bí thư Tô Lâm đã thúc giục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng để nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Tổng Bí thư kêu gọi cải cách bộ máy nhà nước "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả". Đây được coi là một cuộc cách mạng để đất nước Việt Nam vươn mình phát triển. Về nhiệm vụ chính trị quan trọng này, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: "Câu hỏi lớn được đặt ra lúc này là chúng ta đã có đủ thế và lực, đã đủ ý chí và quyết tâm để bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh của dân tộc hay chưa? Câu trả lời của chúng tôi là đã đủ. Hiện nay, đã là thời điểm, thời cơ, là sự cấp thiết, là đòi hỏi tất yếu, khách quan của cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, để bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả". 

Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và nhiều lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và địa phương cũng có hàng loạt phát biểu, chỉ đạo cụ thể để thúc đẩy cải cách thể chế, tinh gọn bộ máy và ứng dụng công nghệ số, nhằm tạo thế và lực để đẩy nhanh sự chuyển mình của đất nước.

Niềm tin vào tương lai Việt Nam

Việt Nam đang nỗ lực tạo cho mình bước ngoặt phát triển mới trong hòa bình. Thay đổi vì một tương lai tốt đẹp của đất nước. Nhất là thay đổi về tầm nhìn, nhận thức và đặc biệt cải cách, đổi mới phát triển. Điều này nhận được sự đánh giá cao của dư luận trong và ngoài nước.

Việt Nam sẵn sàng bứt phá - ảnh 4Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều 12/11. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Hạ tầng được cải thiện, số lượng đường cao tốc cũng tăng trưởng nhanh và đặc biệt, Việt Nam đang có những dự án rất lớn về hạ tầng… Điều này thể hiện mức độ vượt trội, mức độ thay đổi của Việt Nam. Thủ tục hành chính, thể chế của Việt Nam cũng đang có những cải cách mạnh mẽ… Đây là những điểm rất quan trọng để duy trì và thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2025 như những nhận định của những người đã lựa chọn Việt nam là điểm đến: 

- "Yếu tố đầu tiên thu hút các doanh nghiệp nước ngoài là việc Việt Nam có một sức phát triển to lớn. Từ hơn 10 năm trước, khi chúng tôi bắt đầu đầu tư vào Việt Nam, chúng tôi đã dần dần chiêm nghiệm được sức hút của Việt Nam. Đặc biệt, trong vài năm gần đây, có rất nhiều các doanh nghiệp từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... đầu tư rất lớn vào Hà Nội. Xét về tiềm năng phát triển, Việt Nam có lợi thế lớn hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Vì vậy, chúng tôi đã quyết định sẽ mở rộng và tăng mức đầu tư, để thực hiện các dự án khác tại Việt Nam".

- "Việt Nam có dân số trẻ và hiểu biết về công nghệ. Cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp năng động cũng như sự khuyến khích của Chính phủ, các bộ ngành. Chính phủ Việt Nam có chiến lược AI quốc gia để thúc đẩy nền kinh tế số. Theo dự báo của Google, nền kinh tế internet của Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức đáng kinh ngạc".

Việt Nam khát khao phát triển thịnh vượng. Sự chuyển mình của Việt Nam để hướng đến sự tăng trưởng đột phá trong năm nay sẽ giúp Việt Nam có được một vị thế mới, vị thế tương xứng của đất nước trên trường quốc tế.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu