Du lịch Việt Nam tăng tốc trong năm 2025

Hồng Vân (tổng hợp)
Chia sẻ
(VOV5) - Năm nay, Việt Nam phấn đấu đón 25 - 28 triệu lượt khách quốc tế, trở thành năm đón nhiều khách quốc tế nhất trong lịch sử, cao hơn 1,5 lần mục tiêu năm 2024 là 17 - 18 triệu lượt. 
 Cùng với đó là đón 120 - 130 triệu khách nội địa. Với mục tiêu này, ngành du lịch dự kiến sẽ đóng góp 6 - 8% vào GDP (980 - 1.050 tỷ đồng doanh thu), tạo 5,5 triệu việc làm, tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế.

Ngành Du lịch đang đứng trước những cơ hội lịch sử về vai trò động lực của du lịch trong nền kinh tế Việt Nam.

Những lợi thế

Năm 2025, thị trường khách du lịch quốc tế còn nhiều dư địa tăng trưởng trong điều kiện Việt Nam đã có các chính sách thuận lợi về thị thực và xuất nhập cảnh. Bên cạnh đó, Việt Nam có nhiều tiềm năng để có thể đáp ứng các xu hướng du lịch mới của toàn cầu, như: du lịch bền vững, có trách nhiệm với môi trường; chuyển đổi từ “tham quan” sang “trải nghiệm”; du lịch chăm sóc sức khỏe; du lịch gia đình đa thế hệ; du lịch nhờ AI thiết kế lịch trình… Những xu hướng này mở ra hướng phát triển bền vững cho du lịch Việt Nam, vừa khai thác hiệu quả tiềm năng sẵn có vừa đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách trong bối cảnh toàn cầu hóa và số hóa mạnh mẽ như hiện nay.

Ngoài ra, công tác xúc tiến, quảng bá và thông tin du lịch tiếp tục có chuyển biến tích cực với nhiều mô hình mới, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong phát triển thị trường, trong đó có việc quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam thông qua điện ảnh.

Du lịch Việt Nam tăng tốc trong năm 2025 - ảnh 1Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam. Ảnh: Báo Văn hoá

Ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, cho biết: "2/3 lượng khách tìm kiếm và hứng thú đi du lịch trên quốc tế là thông qua các tác phẩm điện ảnh. Đây là một trong những tài nguyên vô tận của Việt Nam nếu như chúng ta biết khai thác những giá trị về cảnh quan, về con người, về các bối cảnh Việt Nam. Chúng tôi đã thấy rằng nhiệm vụ quản lý nhà nước ở đây là kết nối các lĩnh vực, kết nối sự nổi trội của Việt Nam về cảnh quan, về con người, về những ý tưởng, về tác phẩm và tài năng của các người nghệ sĩ."

Tập trung những giải pháp trọng tâm

Để thực hiện mục tiêu của cả năm 2025, ngành du lịch sẽ đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, đặc biệt là ở các thị trường quốc tế trọng điểm, theo các tiêu chí: thị trường được miễn thị thực nhập cảnh; có kết nối đường bay thuận lợi; có tiềm năng, khả năng tăng trưởng cao, có chất lượng.

Ngành Du lịch Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để khai thác tối đa các cơ hội và tiềm năng, góp phần nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế trong thời gian tới; tăng cường kết nối, phối hợp tổ chức các sự kiện “Ngày/Tuần Văn hóa Việt Nam” tại nước ngoài để vừa quảng bá văn hóa, vừa xúc tiến du lịch và thúc đẩy hợp tác thể thao. Đồng thời đề xuất hợp tác với các nền tảng truyền thông lớn quốc tế để xây dựng hình ảnh Việt Nam thịnh vượng, giàu bản sắc.

Du lịch Việt Nam cũng sẽ xây dựng nhiều sản phẩm mới chất lượng cao, như: du lịch hội nghị (MICE), du lịch golf…; đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong công tác quản lý, xây dựng sản phẩm để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam.

Vấn đề hợp tác du lịch - hàng không cũng được coi là chiến lược then chốt trong thu hút khách quốc tế. Việt Nam sẽ mở rộng mạng lưới bay, kết nối trực tiếp các chuyến bay thẳng từ thị trường trọng điểm. Bên cạnh đó, nâng cấp các sân bay đầu mối trung chuyển như Nội Bài, Tân Sơn Nhất để tăng khả năng đón khách quốc tế.

Về phía các địa phương, các địa phương cũng sẽ nâng cao nhận thức, kỹ năng, kinh nghiệm về phát triển du lịch, tạo điều kiện thuận lợi nhất để du lịch đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho rằng: "Trước hết là qui hoạch hệ thống du lịch Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thứ 2, bên cạnh việc qui hoạch để phát triển du lịch trên địa bàn, cũng cần hoàn thiện các sản phẩm du lịch văn hóa để tạo nên những sản phẩm độc đáo, hấp dẫn để thu hút khách và có tính cạnh tranh cao. Thứ 3 là công tác xúc tiến quảng bá, phải có những chương trình xúc tiến mạnh mẽ hơn nữa không chỉ trong nước mà cần tiến đến tham gia các sự kiện ở nước ngoài. Một nội dung quan trọng nữa các tỉnh cần quan tâm là công tác đảm bảo quản lý điểm đến, đảm bảo an ninh an toàn cho khách du lịch cũng cần được chú trọng."

Năm 2024, du lịch Việt Nam phục hồi ngoạn mục. Điều này chứng tỏ hướng đi đúng, kịp thời của du lịch Việt Nam trong cơ cấu lại thị trường khách, định hướng làm mới sản phẩm, công tác xúc tiến, quảng bá hiệu quả cả trên thực địa và trên các nền tảng số.

Năm 2025, với những lợi thế sẵn có và những giải pháp trọng tâm, du lịch Việt Nam sẽ đón bắt được thời cơ phát triển, khẳng định vai trò động lực trong nền kinh tế Việt Nam.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu