Việt Nam quan tâm, đảm bảo di cư an toàn, phòng, chống nạn mua bán người

Thu Hoa
Chia sẻ
(VOV5) - Do đó,Việt Nam đã và đang chủ động có các biện pháp phù hợp ngăn chặn tình trạng đưa người di cư trái phép.

Câu chuyện đau lòng về 39 người Việt tử nạn trên xe container từ Bỉ sang Anh hồi tháng 10/2019 đã dẫn tới cuộc điều tra giết người lớn nhất trong lịch sử cảnh sát hạt Essex ở Anh.

Trong bối cảnh những đường dây mua bán người, đưa người bất hợp pháp sang các nước châu Âu vẫn diễn biến phức tạp, Việt Nam đã và đang luôn quan tâm đảm bảo di cư an toàn, phòng, chống mua bán người trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Việt Nam quan tâm, đảm bảo di cư an toàn, phòng, chống nạn mua bán người - ảnh 1 Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội tổ chức Diễn đàn trực tuyến đối thoại cấp cao về lao động di cư kết hợp Lễ ra mắt “Nghiên cứu So sánh về Quản lý Lao động Di cư trong ASEAN”, ngày 20/4/2021 tại Hà Nội - Nguồn: TTXVN

Hiện Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan để ngăn ngừa các hoạt động đưa lao động đi làm việc ở châu Âu không đúng quy định của pháp luật; minh bạch thông tin về doanh nghiệp, về hợp đồng để thu hút nhiều lao động đi làm việc ở châu Âu theo tổ chức một cách an toàn và phù hợp với quy định pháp luật. Trong khi đó, Bộ Công an tiếp tục triển khai dự án “Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ hiện đại: Tiếp cận liên ngành thay đổi hành vi, tăng cường hỗ trợ, tiếp cận pháp lý và tái hòa nhập cho nạn nhân” tại 5 địa phương trên cả nước do Vương quốc Anh tài trợ thông qua Tổ chức Di cư quốc tế, Hội đồng Anh, Tổ chức Tầm nhìn thế giới.

Về hàng lang pháp lý, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách và văn bản pháp luật nhằm phòng ngừa, ngăn chặn nạn mua bán người. Tiêu biểu là Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016-2020 với mục tiêu giảm nguy cơ mua bán người, tội phạm mua bán người, thực hiện hiệu quả tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về. Từ năm 2016, Chính phủ đã phê duyệt ngày 30/7 hằng năm là “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người”. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030. Cùng với đó, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước ASEAN về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em vào 13/12/2016, tham gia Kế hoạch hành động Bohol về chống mua bán người (2017-2020), tích cực tham gia vào Tiến trình Bali và Tiến trình COMMIT về phòng chống đưa người di cư trái phép qua biên giới. Bên cạnh đó, Việt Nam ký thỏa thuận song phương với các nước như Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia, Lào trong phòng chống mua bán người xuyên biên giới. Hiện Việt Nam tiếp tục thúc đẩy việc thăm dò, tìm hiểu, đàm phán để tiến đến ký kết các hiệp định, thỏa thuận về hợp tác lao động với các nước có tiềm năng tiếp nhận lao động Việt Nam như Romania, Liên bang Đức… và nghiên cứu khả năng gia nhập Nghị định thư về chống đưa người di cư trái phép bằng đường bộ, đường biển và đường không, bổ sung Công ước Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.

Như vậy, chính sách nhất quán của Chính phủ Việt Nam là đảm bảo di cư hợp pháp, an toàn và thường xuyên; phòng, chống di cư bất hợp pháp; bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân trong suốt quá trình di cư. Tuy nhiên, tại châu Âu, trong 6 tháng đầu năm 2021 liên tiếp xảy ra các vụ việc đưa người Việt di cư trái phép giữa các nước trong khu vực, chủ yếu là để đến Anh. Cùng với đó, các đường dây tổ chức đưa người Việt xuất cảnh trái phép sang các nước láng giềng như Campuchia, Trung Quốc vẫn tiếp tục hoạt động tinh vi bất chấp quy định về xuất nhập cảnh trong thời gian dịch bệnh Covid-19. Phần lớn các đường dây này đưa người qua đường mòn lối mở, với thủ đoạn giới thiệu việc làm có thu nhập cao ở nước ngoài được đăng tải công khai trên mạng xã hội.Trong đó, tình trạng lôi kéo, dụ dỗ, hứa hẹn đưa người ra nước ngoài làm việc nhàn hạ lương cao là một trong những thách thức hiện nay đối với công tác quản lý di cư nói chung và công tác bảo hộ quyền và lợi ích của công dân Việt Nam ở nước ngoài.

Việt Nam quan tâm, đảm bảo di cư an toàn, phòng, chống nạn mua bán người - ảnh 2Bộ Công an phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức sự kiện trực tuyến Chung tay phòng, chống mua bán người với chủ đề “Lắng nghe nạn nhân - Dẫn lối hành động” tại Hà Nội ngày 30/7/2021 - Ảnh: cand.com.vn

Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã có những nỗ lực toàn diện để đảm bảo di cư an toàn và phòng chống nạn buôn bán người. Trước hết, công tác quản lý xuất nhập cảnh, đấu tranh, phát hiện ngăn chặn tình trạng di cư trái phép, đưa người di cư trái phép cũng như việc tuyên truyền về các phương thức, thủ đoạn của tội phạm đưa người di cư trái phép, những rủi ro khi di cư qua kênh không chính thức tiếp tục được đẩy mạnh.Các cơ quan chức năng của Việt Nam tích cực tham gia các cơ chế hợp tác với các nước, các tổ chức có liên quan để kịp thời trao đổi, xử lý các vụ việc di cư trái phép và đưa người di cư trái phép. Điển hình như chiến dịch Turquessa II của Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) về chống tội phạm mua bán người và đưa người di cư trái phép, Nhóm làm việc về triệt phá mạng lưới đưa người di cư trái phép và mua bán người trong khuôn khổ Tiến trình Bali về phòng, chống đưa người di cư trái phép, mua bán người và tội phạm xuyên quốc gia có liên quan. Việt Nam cũng đã ban hành và hiện đang thực hiện Kế hoạch triển khai Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (Thỏa thuận GCM) theo Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày 20/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, với nhiều giải pháp cụ thể, đồng bộ, thống nhất từ trung ương đến địa phương nhằm bảo đảm di cư hợp pháp an toàn, cũng như quyền và lợi ích chính đáng của người di cư.

Đối với các vụ việc phát sinh trong thời gian qua, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tích cực, chủ động tham mưu Thủ tướng Chính phủ các biện pháp nhằm giải quyết vấn đề này, chủ yếu tập trung vào việc tăng cường quản lý cư trú, xuất nhập cảnh, cấp phát giấy tờ xuất nhập cảnh; xác minh nhân thân công dân Việt Nam không được phía nước ngoài cho cư trú hoặc trục xuất nhằm tiến hành kịp thời các biện pháp cần thiết bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng của công dân, phù hợp với quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19; thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm ngăn chặn, phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm các vụ việc đưa người di cư trái phép theo quy định của pháp luật.

Thời gian tới, khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát trên toàn cầu, việc đi lại quốc tế diễn ra một cách bình thường sẽ tiếp tục phát sinh nhiều vấn đề phức tạp về di cư bất hợp pháp do nhu cầu di cư vì việc làm, học tập, kinh doanh… tăng mạnh sau thời gian gián đoạn vì dịch bệnh. Do đó,Việt Nam đã và đang chủ động có các biện pháp phù hợp ngăn chặn tình trạng đưa người di cư trái phép, di cư qua các kênh không chính thống và quan trọng hơn là tạo điều kiện cho các kênh di cư hợp pháp, an toàn và trật tự, từ đó giúp người dân hiểu đầy đủ và có quyết định đúng đắn về việc di cư, tránh những rủi ro khi di cư bất hợp pháp và trở thành nạn nhân của tệ buôn bán người.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu