Việt Nam nỗ lực gỡ cảnh báo thẻ vàng EU, quyết tâm ngăn chặn đánh bắt cá bất hợp pháp

Huyền - Hiếu
Chia sẻ
(VOV5) - Thực tế, việc không tháo gỡ được thẻ vàng từ EC sẽ gây rất nhiều hệ lụy cho thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Do vậy, sớm gỡ thẻ vàng cho thủy sản Việt Nam là ưu tiên cao nhất hiện nay.

Sau 5 năm Ủy ban Châu Âu (EC) cảnh báo “Thẻ vàng” đối với hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), Việt Nam đã quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU, thực hiện các khuyến nghị của EC. Qua 3 lần làm việc, EC khẳng định Việt Nam đã đi đúng hướng và có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên còn một số vướng mắc cần tháo gỡ. Để chuẩn bị cho buổi thanh tra lần thứ 4 của EC với Việt Nam (dự kiến vào tháng 6 tới), Việt Nam đang nỗ lực triển khai các giải pháp để sớm gỡ được thẻ vàng.

Việt Nam nỗ lực gỡ cảnh báo thẻ vàng EU, quyết tâm ngăn chặn đánh bắt cá bất hợp pháp - ảnh 1Ảnh minh họa. Nguồn: VOV

5 năm qua, Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực để tháo gỡ thẻ vàng thông qua triển khai những khuyến nghị của EC. Đó là: từng bước hoàn thiện khung pháp lý, trong đó có sự ra đời của Luật Thủy sản 2017; Công tác lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên đội tàu ngày càng được tích cực đẩy mạnh, đạt tỷ lệ cao, cùng với đó là sự chuyển biến về cơ sở vật chất, truy xuất nguồn gốc thủy sản...Dù vậy, vẫn còn nhiều vướng mắc dẫn đến việc EC vẫn chưa thể gỡ thẻ vàng cho thủy sản Việt Nam.

Quyết liệt triển khai để gỡ thẻ vàng

Thực tế, việc không tháo gỡ được thẻ vàng từ EC sẽ gây rất nhiều hệ lụy cho thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Do vậy, sớm gỡ thẻ vàng cho thủy sản Việt Nam là ưu tiên cao nhất hiện nay.

Ngày 13/2/2023, Thủ tướng chính phủ đã Ban hành "Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu lần thứ 4". Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo đến tháng 5/2023, phải rà soát, hoàn tất thống kê toàn bộ số lượng tàu cá của các địa phương, hoàn thành 100% việc đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) theo quy định. Kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá xuất, nhập bến tại đồn, trạm biên phòng tuyến biển; kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra, vào cảng cá theo đúng quy định. Cùng với đó, xây dựng quy chế phối hợp giữa các địa phương để kiểm soát 100% tàu cá của tỉnh hoạt động trên địa bàn ngoài tỉnh.

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đề nghị phải chấm dứt việc tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, xử phạt và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài và thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Tăng cường nâng cao nhận thức

Xuất khẩu thủy sản sang EU hiện chiếm khoảng 11-12% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, tức là quy mô thị trường lên tới hàng tỷ USD. Đó cũng là nguồn sinh kế của hơn 5 triệu lao động bám biển để mưu sinh từ bao đời nay. Nếu không gỡ được "thẻ vàng" thì sản phẩm khai thác của ngư dân sẽ gặp rất nhiều rào cản trong xuất khẩu, không chỉ ở châu Âu mà còn cả các thị trường khác trên thế giới. Do đó, tăng cường nâng cao nhận thức cho ngư dân là nhiệm vụ hàng đầu. Nhiều ngư dân đã ý thức được tầm quan trọng của việc ghi, nộp nhật ký khai thác thủy sản, cũng như tuân thủ chấp hành việc gắn thiết bị giám sát hành trình (VMS). Ngư dân Lê Khắc Yêu, chủ tàu cá ở Hải Phòng, cho biết: "Mỗi lần ra biển là chấp hành, trở về là trình báo cảng, báo với cơ quan, đồn trạm, khi đi thì báo để xuất bến. Thủ tục giấy tờ các thứ là mình phải chấp hành đầy đủ".

Cùng với tăng cường nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho ngư dân, các địa phương ven biển cũng khẳng định quyết tâm sớm gỡ “thẻ vàng” bằng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ đội tàu. Là tỉnh có đội tàu cá lớn nhất, chiếm 16% sản lượng khai thác của cả nước, tỉnh Kiên Giang kiến nghị Trung ương hỗ trợ thành lập kiểm ngư địa phương để nâng cao năng lực kiểm tra trên biển. Kiên Giang thực hiện nghiêm 180 ngày cao điểm thực hiện chống khai thác IUU, cam kết sẽ là tỉnh đi đầu trong việc xử lý nghiêm các vi phạm IUU.

Ông Lê Quốc Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, khẳng định: "Kiên Giang là tỉnh có lượng tàu lớn nhất cả nước. Nếu không xử lý nghiêm, không để cho người ta thấy lực lượng thực thi pháp luật của tỉnh dám làm và xử lý nghiêm thì tôi tin chắc rằng việc thực hiện quyết định của chính phủ sẽ rất khó khăn. Bên cạnh đó, tôi đề nghị các lực lượng, trong đó có cả công an, truy ra những đối tượng thường xuyên tránh né, dùng các hành vi qua mắt các lực lượng chức năng".

Sau thời gian dài triển khai quyết liệt, việc triển khai các quy định về chống khai thác IUU đã có sự chuyển biến hơn so với trước. Tuy nhiên, nếu không quản lý được đội tàu, vẫn còn tình trạng vi phạm biển nước ngoài thì việc gỡ thẻ vàng còn khó khăn. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng: "Chúng ta ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Không cách nào khác phải thực thi nghiêm các quy định của các tổ chức quốc tế và đó cũng là tinh thần của Luật Thủy sản 2017, đó là phát triển bền vững. Do vậy, việc gỡ thẻ vàng là nhiệm vụ rất quan trọng, Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, các địa phương và giữa các địa phương với nhau, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chúng ta tin tưởng sẽ sớm gỡ được thẻ vàng trong năm nay".

Với quyết tâm chính trị cao, triển khai đồng bộ, tập trung mọi nguồn lực sẵn có và sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương, triển khai thực hiện nghiêm các văn bản đã được ban hành, Việt Nam đang khẩn trương chuẩn bị cho buổi làm việc lần thứ 4 với EC vào tháng 6 tới với mục tiêu sớm gỡ được thẻ vàng trong năm nay.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu