Với các biện pháp quyết liệt ngăn ngừa dịch bệnh, chủ động đối phó với các thách thức và hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam trong năm 2021 được đánh giá tiếp tục là điểm sáng tăng trưởng kinh tế ở khu vực cũng như toàn cầu.
Sau những thành công trong việc ngăn chặn đại dịch Covid 19, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế dương ở khu vực cũng như trên thế giới. Điều này thời gian qua đã được truyền thông quốc tế và các chuyên gia quốc tế khẳng định. Nền tảng chính trị bền vững, Việt Nam ngày càng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, vị thế cao trên trường quốc tế….Tất cả những yếu tố này đang là điều kiện thuận lợi để Việt Nam tiếp tục đạt được mức tăng trưởng ấn tượng.
Năm 2021 - xuất phát điểm, nền tảng tốt cho giai đoạn 2021-2025
Theo dự báo của Ngân hàng thế giới (WB), năm 2021, triển vọng của Việt Nam được cho là tích cực khi nền kinh tế được dự báo tăng trưởng ở mức khoảng 6,8% và sẽ ổn định quanh mức 6,5% các năm tiếp theo.
Năm 2021, Việt Nam bước vào năm đầu tiên của nhiệm kỳ Đại hội Đảng XIII, của giai đoạn 2021 - 2025, với những quyết sách, định hướng lớn về kinh tế cũng sẽ tạo những bứt phá về tăng trưởng cho giai đoạn tiếp theo trong tương lai. Nhiệm vụ trọng tâm được Chính phủ đặt ra đó là “tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa tận dụng tốt các cơ hội, nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới”.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa 17. Ảnh:kinhtedothi.vn |
Để đạt được mục tiêu đề ra, Chính phủ đã đặt ra ít nhất 10 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, có thể kể đến như: Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các biện pháp phòng chống và giảm thiểu thiệt hại do đại dịch Covid-19; Tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; Tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; đẩy mạnh triển khai các dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm; Nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội…
Nỗ lực tạo những bứt phá về tăng trưởng
Tháng đầu tiên của năm 2021, Việt Nam đối mặt với làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 3. Tuy nhiên, với kinh nghiệm sẵn có của các lần ứng phó dịch trước đây, Việt Nam tiếp tục chủ động, chuẩn bị nhanh các kịch bản, tình huống, giải pháp để ứng phó hiệu quả với Covid-19, bảo đảm phát hiện nhanh hơn, hành động nhanh và quyết liệt hơn để dập dịch triệt để trong thời gian nhanh nhất. Cùng với đó, tập trung các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng 6 tháng đầu năm để thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% năm 2021. Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Tôi nhấn mạnh thúc đẩy ba không gian kinh tế gồm kinh tế trong nước 100 triệu dân; kinh tế quốc tế với hội nhập được đẩy mạnh; kinh tế số ở Việt Nam. Nhất quán mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, đồng thời góp phần thúc đẩy tăng trưởng. Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp chủ động bố trí nguồn lực, triển khai các giải pháp phù hợp, tháo gỡ khó khăn hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động mất việc, thiếu việc làm, giảm sâu thu nhập do COVID-19, phục hồi sản xuất kinh doanh. Kích cầu đầu tư, giảm phí, miễn giảm một số khoản mà pháp luật cho phép; tiếp tục xây dựng gói kích cầu thứ hai.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội. Ảnh:sggp.org.vn |
Đánh giá cao các biện pháp cấp bách trong điều hành của Chính phủ, nhiều chuyên gia kinh tế cũng nỗ lực cùng chính phủ đưa ra những phân tích, nhận định, hiến kế các giải pháp để đưa kinh tế đất nước bứt phá. Chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành cho rằng: Thứ nhất hiện nay tinh thần phải làm là tinh thần thời chiến, ứng phó phải nhanh, phải quyết liệt, đồng bộ với sự vào cuộc của tất cả, những cái mà chúng ta đã làm tốt trong phòng chống dịch. Trong thực thi các chính sách kinh tế hỗ trợ, những gói của chính sách vẫn có thể tiếp tục làm mạnh… Bên cạnh đó chúng ta cũng cần phải nghĩ đến những chính sách mới, gắn với cải cách cơ cấu và gắn với xu thế phát triển trên thế giới, ví dụ vấn đề chuyển đổi số, cách thức sống, cách thức tiêu dùng, thích ứng với biến đổi khí hậu..
Dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, việc phục hồi kinh tế thế giới không thể nhanh chóng bởi ảnh hưởng sâu của dịch Covid-19. Với nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam muốn phát triển được cũng phụ thuộc rất nhiều vào sự phục hồi của nền kinh tế thế giới. Đây là những yếu tố không thuận cho kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, với sự quyết tâm vượt khó của cả hệ thống chính trị trong năm bản lề 2021, kinh tế Việt Nam có thể tận dụng thời cơ trong nguy khó để hướng đến phát triển mạnh mẽ trong 2 năm tới, khi thế giới hồi phục.