Việt nam nỗ lực đảm bảo an sinh xã hội

Vân Hằng
Chia sẻ
(VOV5) - Năm 2012, trong khi nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, thách thức do khủng hoảng tài chính toàn cầu nhưng chính phủ Việt nam vẫn dành sự quan tâm đặc biệt đến an sinh xã hội. Người dân được bảo đảm thu nhập tối thiểu thông qua hỗ trợ tạo việc làm, giảm nghèo, tham gia bảo hiểm xã hội. Việc hỗ trợ nhân dân tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản ở mức tối thiểu về nhà ở, y tế, giáo dục, nước sạch được tích cực triển khai.

(VOV5) - Năm 2012, trong khi nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, thách thức do khủng hoảng tài chính toàn cầu nhưng chính phủ Việt nam vẫn dành sự quan tâm đặc biệt đến an sinh xã hội. Người dân được bảo đảm thu nhập tối thiểu thông qua hỗ trợ tạo việc làm, giảm nghèo, tham gia bảo hiểm xã hội. Việc hỗ trợ nhân dân tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản ở mức tối thiểu về nhà ở, y tế, giáo dục, nước sạch được tích cực triển khai.

Việt nam nỗ lực đảm bảo an sinh xã hội - ảnh 1
Ảnh minh họa (nguồn: internet)

Đối với lĩnh vực an sinh xã hội, chính sách giảm nghèo được xem là vấn đề cốt lõi. Bởi từ thực tế cho thấy điều kiện đất nước ngày càng phát triển nhưng tỷ lệ giữa hộ nghèo - hộ giàu còn một khoảng cách. Đảng và Nhà nước có rất nhiều chính sách đối với đối tượng này. Theo báo cáo của Tổng cục thống kê công bố cuối tháng 12, tổng kinh phí dành cho đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo năm 2012 của Việt nam là 8.800 tỷ đồng, trong đó có hỗ trợ các đối tượng chính sách, hỗ trợ các hộ nghèo và cứu trợ xã hội.

Đáng chú ý, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các chương trình, chính sách xã hội, trọng tâm là tạo việc làm, tăng thu nhập và giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước năm 2012 ước còn khoảng 10%, giảm 1,76% so với năm 2011. Đây là cố gắng lớn trong điều kiện kinh tế khó khăn. Cũng trong năm 2012, Việt nam đã giải quyết việc làm cho hơn 1,5 triệu lao động, đưa tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm năm 2012 giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2011. Chính phủ cũng đã thực hiện chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho hàng trăm nghìn lao động. Tình hình lao động ở các khu công nghiệp cơ bản ổn định. Một bộ phận lao động được đào tạo, chuyển nghề mới phù hợp hơn.

Việt nam nỗ lực đảm bảo an sinh xã hội - ảnh 2
Tạo việc làm cho lao động trẻ - một trong những giải pháp đảm bảo an sinh xã hội

Đề cập việc tạo việc làm cho lao động trẻ, Bộ trưởng Bộ lao động, thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: “Ở Việt Nam, tỷ lệ lao động thất nghiệp trong thanh niên là 3,8%. Chính vì vậy chúng tôi đã tham mưu cho chính phủ về chính sách. Cùng với Luật lao động sửa đổi tới đây chúng tôi cũng trình Quốc hội Luật việc làm để làm cơ sở thực hiện việc làm thuận lợi. Chúng tôi cũng tạo cơ hội cho các tổ chức xã hội thành  lập trung tâm xúc tiến việc làm, hỗ trợ Ttung ương Đoàn thanh niên xây dựng Trung tâm giới thiệu việc làm cho thanh niên. Bên cạnh đó, các Trung tâm việc làm của các tỉnh cũng được củng cố.       

Việc điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu từ 830.000 đồng/tháng lên 1,05 triệu đồng/tháng từ 1/5/2012 đối với cán bộ, công chức, viên chức, các đối tượng thuộc lực lượng vũ trang và người lao động làm việc ở các cơ quan, đơn vị, tổ chức của Nhà nước cũng đã phần nào cải thiện đời sống cho người lao động. Theo đánh giá năm 2012 của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), Việt Nam đạt mức tăng trưởng lương cao so với thế giới. Ở Việt Nam, tiền lương danh nghĩa trung bình tăng 26,8% mỗi năm. Ngay cả khi tính đến lạm phát vốn vẫn ở mức cao, tiền lương thực tế vẫn tăng 12,6% hàng năm.

Theo Chuyên gia cao cấp về Quan hệ Lao động của ILO Việt Nam Yoon Youngmo, Chính phủ Việt Nam đã rất thành công với chính sách lương tối thiểu để dần nâng mức sàn tiền lương. Ông Yoon Youngmo khẳng định: “Cho đến nay, Chính phủ Việt Nam đã làm tốt chính sách lương tối thiểu. Hầu hết các lao động đều nhận được mức lương cao hơn mức lương tối thiểu. Chính phủ có nhiều cách khác nhau trong việc hoạch định chính sách để phù hợp với hoàn cảnh. Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến phúc lợi của người lao động, đặc biệt là công nhân. Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam cần có những chính sách phù hợp để nó trở nên hiệu quả hơn trong điều kiện, hoàn cảnh mới.”.

Việt nam nỗ lực đảm bảo an sinh xã hội - ảnh 3
Người lao động đến làm thủ tục bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế

Trong năm 2012, Việt Nam cũng thu hút được 10,34 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, trong đó có 10,2 triệu là bảo hiểm xã hội bắt buộc, tăng 4,2%,; 8,07 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, tăng 6,6%; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt gần 68%, tăng 5%, so với năm trước. Công tác chăm sóc sức khỏe, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ và chăm sóc trẻ em, phòng chống HIV/AIDS cũng đạt được những kết quả tích cực. Nhờ các chính sách hỗ trợ nên khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của người nghèo, cận nghèo vẫn được bảo đảm.

Những kết quả tích cực về an sinh xã hội mà Việt Nam đạt được trong năm 2012 sẽ góp phần quan trọng để chính phủ Việt nam thực hiện tốt thông điệp đầu năm 2013 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là tập trung đẩy mạnh giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu