Việt Nam mong muốn tiếp tục đóng góp vai trò và tiếng nói lớn hơn tại Liên hợp quốc

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5)- Tiếp sau nhiệm kỳ là thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc (2014-2016), Việt Nam đang tiếp tục cử đại diện ứng cử vào một trong 7 vị trí thành viên của Ủy ban Luật pháp quốc tế nhiệm kỳ 2017-2021 cho khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
(VOV5)- Tiếp sau nhiệm kỳ là thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc (2014-2016), Việt Nam đang tiếp tục cử đại diện ứng cử vào một trong 7 vị trí thành viên của Ủy ban Luật pháp quốc tế nhiệm kỳ 2017-2021 cho khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Cuộc bỏ phiếu dự kiến diễn ra tại kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc vào cuối năm nay. Việc Việt Nam tham gia ứng cử một lần nữa khẳng định Việt Nam mong muốn tiếp tục đóng góp vai trò và tiếng nói lớn hơn tại diễn đàn đa phương quan trọng nhất này.

Việt Nam mong muốn tiếp tục đóng góp vai trò và tiếng nói lớn hơn tại Liên hợp quốc - ảnh 1
Việt Nam mong muốn tiếp tục đóng vai trò lớn hơn tại LHQ ảnh: Một phiên họp của hội đồng LHQ - Ảnh: TTXVN



Đại diện của Việt Nam tham gia ứng cử lần này là Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Đại sứ Việt Nam tại Kuwait Nguyễn Hồng Thao. Ông là một chuyên gia về luật pháp quốc tế, từng giữ cương vị Phó chủ nhiệm Ủy ban biên giới quốc gia, Trưởng đoàn đàm phán các hiệp định biên giới với những nước láng giềng của Việt Nam, cố vấn pháp lý cho dự thảo Luật Biển Việt Nam năm 2012. Ông cũng có 40 năm kinh nghiệm hoạt động trong ngành ngoại giao.


Ủy ban Luật pháp quốc tế Liên hợp quốc-diễn đàn pháp lý quốc tế có uy tín nhất

Ủy ban Luật pháp quốc tế Liên hợp quốc được thành lập từ năm 1946 với nhiệm vụ là pháp điển hóa và phát triển luật quốc tế. Vai trò của Ủy ban hết sức quan trọng trong việc soạn thảo ra công ước quốc tế, đưa ra các sáng kiến, hướng dẫn áp dụng luật quốc tế. Ủy ban cũng đã từng là tác giả của Công ước luật biển năm 1958 và các khái niệm hiện nay vẫn đang được áp dụng thực hiện trong Công ước luật biển năm 1982 và một loạt các công ước quốc tế khác. Ủy ban có 34 thành viên, được bầu ra 5 năm một lần và được chia cho các khu vực phân bổ về mặt địa lý. Châu Á có 7 ghế và những người được các nước giới thiệu ứng cử và bầu vào Ủy ban này đa phần là các giáo sư, nhà ngoại giao, luật gia nổi tiếng, có kinh nghiệm nghiên cứu, giảng dạy và thực hành luật pháp quốc tế. Cũng như tất cả các cơ quan pháp lý khác, Ủy ban hoạt động khách quan, chú trọng đến lợi ích, quyền lợi của tất cả các nước trên thế giới.


Các nước đều có quyền giới thiệu ứng cử viên của mình nhưng sẽ có cuộc lựa chọn bầu cử hết sức khắt khe, bầu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc và phải đạt ít nhất số phiếu quá bán và tính từ trên xuống dưới, người nào có số phiếu nhiều nhất thì sẽ trúng cử.


Việt Nam chuẩn bị kỹ cho chiến dịch ứng cử

Chiến dịch vận động cho Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Thao ứng cử vào vị trí trên chính thức được khởi động vào tháng 2/2016, sau khi phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, Tổ chức thương mại thế giới và những tổ chức quốc tế khác tại Geneva, Thụy Sĩ, gửi công hàm giới thiệu ông tới phái đoàn các nước. Theo Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, việc ứng cử lần này vào Ủy ban luật pháp quốc tế Liên hợp quốc và vinh dự và trách nhiệm lớn lao: “Ở thời điểm này, Việt Nam quyết định tham gia ứng cử, thứ nhất là nó ở thời điểm mở đầu một nhiệm kỳ mới, đồng thời phù hợp với đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước Việt Nam là tiến hành hội nhập một cách toàn diện, không chỉ hội nhập về kinh tế, văn hóa xã hội mà còn cả hội nhập pháp lý. Đây cũng là một quyết định rất mạnh bạo, sáng suốt của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Chắc chắn sau đây chúng ta còn tham gia nhiều hơn vào các cơ quan tư pháp của quốc tế.”


Đại sứ Nguyễn Hồng Thao cho biết nếu trúng cử, ông sẽ đặt ưu tiên cho một số chủ đề thích hợp cho khu vực Châu Á-Thái Bình Dương cũng như các quốc gia đang phát triển ở Châu Á, Châu Phi và các chủ đề khác thuộc lĩnh vực quan tâm của Ủy ban, đặc biệt là nêu cao tinh thần thượng tôn pháp luật trong đời sống quốc tế, giải quyết những tranh chấp giữa các quốc gia thông qua biện pháp hòa bình: “Đối với tất cả các cơ quan pháp lý, tài phán quốc tế,tinh thần thượng tôn pháp luật là trên hết. Nhiệm vụ của Ủy ban luật quốc tế là pháp điển và phát triển luật quốc tế cũng đóng vai trò như vậy. Việc chúng ta có người tham gia, trở thành thành viên của Ủy ban này thì chúng ta cũng mong muốn mang những kinh nghiệm của đất nước, đóng góp ý kiến tổng hợp để xây dựng nguyên tắc pháp lý, giải quyết những vấn đề mới nảy sinh của luật quốc tế, cũng như tổng hợp lại những kinh nghiệm cũ để truyền bá những kinh nghiệm đó cho những nước khác trong khuôn khổ của luật pháp quốc tế. Đây là sự đóng góp mang tầm quốc tế nó ảnh hưởng chung đến tất cả các nước chứ không riêng gì nước nào.”


Tự tin gánh vác những trọng trách không chỉ đối với quốc gia mà cả tầm quốc tế

Bối cảnh thế giới đang có nhiều thay đổi, các quốc gia đang phải đối phó với cả những thách thức truyền thống lẫn phi truyền thống như các cuộc xung đột quân sự, tình trạng di cư, tội ác chống lại loài người, các hành vi khủng bố, tình trạng biến đổi khí hậu... Trong bối cảnh đó, các quốc gia cần tìm được tiếng nói chung trong việc phát triển và hệ thống hóa luật pháp quốc tế vì bản thân luật pháp cần phải được sử dụng như một công cụ để quản lý hiệu quả trật tự thế giới mới.


Rõ ràng, Việt Nam có kinh nghiệm trong việc quản lý những thách thức và khó khăn, nhờ trải qua nhiều cuộc đấu tranh vì hòa bình, an ninh, giảm đói nghèo và phát triển bền vững. Đặc biệt, trong những năm qua, Việt Nam đã thực hiện thành công vai trò là ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và các vị trí trong nhiều tổ chức và thể chế khác của Liên hợp quốc. Tất cả những thành tự này đều được quốc tế đánh giá rất cao. Hiện Việt Nam có Tổng thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), chuẩn bị ứng cử vào vị trí Tổng giám đốc Tổ chức văn hóa, khoa học, giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) và nay là ứng cử vào Ủy ban luật pháp quốc tế Liên hợp quốc. Điều này khẳng định Việt Nam ngày càng mạnh dạn, tự tin, đủ sức, đủ tài và năng lực để gánh vác những trọng trách không chỉ đối với quốc gia mà cả tầm quốc tế.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu