Việt Nam hội nhập sâu rộng vào các tổ chức Liên hợp quốc

Hạnh Trang
Chia sẻ
(VOV5)- Trong tiến trình hội nhập quốc tế, Việt Nam đã tham gia tích cực và ngày càng hội nhập sâu vào các hoạt động của Liên hợp quốc.
(VOV5)- Trong tiến trình hội nhập quốc tế, Việt Nam đã tham gia tích cực và ngày càng hội nhập sâu vào các hoạt động của Liên hợp quốc.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Việt Nam hội nhập sâu rộng vào các tổ chức Liên hợp quốc - ảnh 1
Một phiên họp của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. - Ảnh: Báo An ninh thế giới


Trong đó có việc Việt Nam trở thành thành viên của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016, thành viên của Hội đồng Kinh tế Xã hội Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016. Việt Nam còn tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và Ủy ban Luật pháp quốc tế.


Tham gia vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc trong nhiệm kỳ 2014-2016, Việt Nam đã tạo dựng cơ hội phát triển quốc gia, hội nhập quốc tế và quay trở lại để phục vụ công cuộc thúc đẩy bảo vệ quyền con người một cách hữu hiệu nhất. Về điều này, đại sứ Việt Nam tại Liên Hợp Quốc Nguyễn Trung Thành khẳng định: "Chúng ta đã tương tác một cách hết sức chủ động và tích cực với Hội đồng Nhân quyền và với tất cả các bên liên quan trong cộng đồng quốc tế quan tâm tới việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Qua sự tương tác này, chúng ta đóng góp trực tiếp vào các mối quan hệ song phương, trước tiên là đối với những nước bạn bè, đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện, bạn bè khắp nơi và cũng từ đó giúp tăng cường sự tin cậy, xây dựng lòng tin, tăng cường kết nối."


Cùng với việc là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, ngày 27/5/2014, Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức Lễ thành lập Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam và cử Trung tá Mạc Đức Trọng và Trần Nam Ngạn, làm sĩ quan liên lạc tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc ở Nam Sudan. Ngày 18/8/2016, đánh giá 2 năm Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, Thượng tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng Tham Mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó trưởng Ban chỉ đạo Bộ Quốc phòng về việc Quân đội tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, cho biết: "Việt Nam đã cử 12 cán bộ, trong đó 7 cán bộ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trở về an toàn tuyệt đối. Hiện còn 5 người đang tiếp tục làm nhiệm vụ. Việt Nam đang tích cực triển khai cử các cấp đơn vị, tìm các hình thức trên các nguyên tắc của Liên hợp quốc để triển khai ở cấp đơn vị. Đây là nhiệm vụ nặng nề trong phương hướng tiếp theo của Trung tâm Gìn giữ hòa bình."


Đại sứ Việt Nam tại Kuwait Nguyễn Hồng Thao, người Việt Nam đầu tiên trúng cử vào Ủy ban Luật pháp quốc tế  của Liên hợp quốc hồi tháng 11/2016 đánh giá cao việc Việt Nam có những hội nhập một cách cụ thể vào cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các cơ quan của Liên hợp quốc. Đại sứ Nguyễn Hồng Thao chia sẻ: "Ở thời điểm này, Việt Nam quyết định tham gia ứng cử vào Ủy ban Luật pháp quốc tế vì đây là thời điểm mở đầu một nhiệm kỳ mới của Ủy ban, đồng thời phù hợp với đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước Việt Nam là tiến hành hội nhập một cách toàn diện, không chỉ hội nhập về kinh tế, văn hóa xã hội mà còn cả hội nhập về pháp lý. Điều này cho thấy chúng ta ngày càng mạnh dạn, tự tin, đủ sức, đủ tài và năng lực để gánh vác những trọng trách không chỉ đối với quốc gia mà cả ở tầm quốc tế."

Việc lần đầu tiên một công dân, một nhà ngoại giao Việt Nam được bầu vào cơ quan quan trọng của Liên hợp quốc đã thể hiện một bước tiến quan trọng trong quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam. Nó cũng thể hiện sự tham gia tích cực của Việt Nam tại các diễn đàn pháp lý của Liên hợp quốc cũng như ở cấp độ khu vực như ASEAN, APEC...

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu