Việt Nam đóng góp xây dựng một Tiểu vùng Mekong hòa bình và thịnh vượng

Huyền Hiền
Chia sẻ
(VOV5) -  Hôm nay, tại Hà Nội bắt đầu diễn ra chuỗi sự kiện ngoại giao đa phương bao gồm: Hội nghị cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady – Chao Phray – Mekong lần thứ 7 (ACMECS 7), Hội nghị cấp cao bốn nước Campuchia – Lào - Myanmar – Việt Nam lần thứ 8 (CLMV 8), và Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về Mekong (WEF – Mekong).
(VOV5) -  Hôm nay, tại Hà Nội bắt đầu diễn ra chuỗi sự kiện ngoại giao đa phương bao gồm: Hội nghị cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady – Chao Phray – Mekong lần thứ 7 (ACMECS 7), Hội nghị cấp cao bốn nước Campuchia – Lào - Myanmar – Việt Nam lần thứ 8 (CLMV 8), và Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về Mekong (WEF – Mekong).

Việc Việt Nam đăng cai tổ chức các hội nghị này nhằm phát huy quan hệ truyền thống với các nước láng giềng, góp phần làm cho các cơ chế hợp tác này phát triển theo hướng thực chất hơn, vì mục tiêu xây dựng một Tiểu vùng Mekong hòa bình và thịnh vượng.

Việt Nam đóng góp xây dựng một Tiểu vùng Mekong hòa bình và thịnh vượng - ảnh 1
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Đình Quý


Đây là lần thứ 2 Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị cấp cao hợp tác CLMV và ACMECS. 3 Hội nghị ACMECS 7, CLMV 8 và WEF - Mekong là chuỗi hoạt động đối ngoại đa phương lớn nhất của Việt Nam trong năm 2016. Việc tổ chức thành công các hội nghị nói trên có ý nghĩa rất quan trọng đối với Việt Nam trên tất cả các mặt: chính trị, an ninh, kinh tế, văn hóa; vì lợi ích của Việt Nam cũng như lợi ích của những nước láng giềng gắn bó mật thiết trong tiểu vùng Mekong.


Đóng góp tích cực cho chương trình nghị sự

Là nước chủ nhà, Việt Nam đã đề xuất và được các nước nhất trí chủ đề của Hội nghị cấp cao CLMV 8 là “Nắm bắt cơ hội, định hình tương lai”; chủ đề của Hội nghị cấp cao ACMECS 7 là “Hướng tới Tiểu vùng Mekong năng động và thịnh vượng”; chủ đề Hội nghị WEF-Mekong là“Tìm kiếm sự thống nhất: Các nhà lãnh đạo khu vực chia sẻ tầm nhìn về khu vực Mekong”. Các chủ đề này thể hiện được mục tiêu chung của các nước là xây dựng một Tiểu vùng Mekong hòa bình và thịnh vượng; làm nổi bật sự năng động, khả năng nắm bắt cơ hội mới của các nước Mekong, cũng như sự cần thiết phải đổi mới và xác định hướng đi phù hợp cho hợp tác trong giai đoạn tới. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Đặng Đình Quý cho biết: “Lần này chúng ta đã cố gắng đưa ra nhiều sáng kiến. Sáng kiến lớn nhất là chúng ta đã mời Diễn đàn kinh tế thế giới vào tổ chức Hội nghị diễn đàn kinh tế thế giới về Mekong (WEF – Mekong)lần đầu tiên để tăng cường sự kết nối giữa doanh nghiệp với các nguyên thủ với các nhà hoạch định chính sách. Qua tổ chức hội nghị này, hi vọng các bên đi đến gần nhau hơn để có những dự án rất cụ thể, biến những thứ trên giấy tờ thành hiện thực”.

Hội nghị này thu hút hơn 100 tập đoàn, doanh nghiệp thành viên Diễn đàn kinh tế thế giới và 60 doanh nghiệp lớn của các nước thành viên tiểu vùng Mekong tham dự. Đây là cơ hội lớn để quảng bá tiềm năng của khu vực Mekong tới cộng đồng doanh nghiệp quốc tế, góp phần thu hút vốn đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và tăng cường kết nối tại khu vực Mekong.


Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đề nghị với các nước thành viên ACMECS, CLMV về các biện pháp tăng cường phối hợp thực hiện Chương trình Nghị sự đến năm 2030 của Liên hợp quốc về Phát triển bền vững.


Hướng tới Tiểu vùng Mekong năng động và thịnh vượng

Được hình thành từ năm 2003, cơ chế hợp tác CLMV  và cơ chế hợp tác ACMECS đã và đang dần trở thành một cơ chế hợp tác quan trọng thúc đẩy các tiềm năng của các nước láng giềng chung dòng Mekong này.


Sau hơn 13 năm hoạt động, hợp tác CLMV và ACMECS đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần củng cố môi trường hòa bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa các nước khu vực Mekong, thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN. Nhờ các cải cách kinh tế sâu rộng và nỗ lực tự do hóa và tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, khu vực Mekong đã trở thành khu vực phát triển năng động và là động lực tăng trưởng quan trọng của ASEAN. Đánh giá về vai trò của 2 cơ chế hợp tác này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Đặng Đình Qúy cho rằng: “Hai cơ chế hợp tác này là những cơ chế rất quan trọng bởi trong tổng sổ 12 cơ chế hợp tác tiểu vùng Mekong hiện nay thì 2 cơ chế này tập hợp những nội dung quan trọng nhất của các nước trong nội vùng. Nếu muốn làm tốt cơ chế hợp tác ngoại vùng thì các nước nội vùng phải làm tốt đã. Và những cơ chế này đã tạo cơ hội để các nước trong nội vùng nói chuyện thẳng với nhau về những mối quan tâm chung, những vấn đề cần tháo gỡ. Thêm vào đó, các nước này cũng nằm trong vị trí rất quan trọng của ASEAN”.


Từ khi tham gia CLMV và ACMECS, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực thực hiện vai trò của mình. Trong các nước CLMV, Việt Nam có một số thế mạnh về quy mô kinh tế, kinh nghiệm phát triển, đổi mới và hội nhập quốc tế. Trên cơ sở đó, Việt Nam đã đưa ra các sáng kiến, đóng góp nguồn lực để thúc đẩy việc kết nối cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, khai thác bền vững tài nguyên, thúc đẩy các dự án phát triển chung của bốn nước. Trong ACMECS, Việt Nam cũng nỗ lực thực hiện các mục tiêu chung nhằm phát huy các tiềm năng, thúc đẩy phát triển bền vững, cùng các nước thành viên tạo ra sức hấp dẫn lớn hơn với các đối tác trong và ngoài ASEAN.


Trong giai đoạn phát triển mới của Tiểu vùng, hai cơ chế hợp tác CLMV và ACMECS sẽ đóng vai trò quan trọng giúp các nước Tiểu vùng vượt qua các thách thức chung, nâng cao năng lực cạnh tranh, nắm bắt các cơ hội phát triển mới. Với những nỗ lực đóng góp trong thời gian qua, tại các Hội nghị lần này trong vai trò là nước chủ nhà, Việt Nam tích cực cùng các nước thành viên, đưa cơ chế hợp tác CLMV và ACMECS bước sang giai đoạn mới, đóng góp ngày càng nhiều hơn cho sự phát triển bền vững và thịnh vượng chung ở khu vực.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu