Lo cho gần 100 triệu dân ấm no và hạnh phúc, dân chủ, có cuộc sống bình yên, an ninh, an toàn, an dân, không hy sinh an sinh xã hội, môi trường, tiến bộ và công bằng để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Đây là chính sách, cam kết nhất quán của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Các cam kết và chính sách này của Việt Nam nhận được sự đánh giá cao của các chuyên gia, nhà ngoại giao, các nhà đầu tư nước ngoài, đối tác quốc tế.
Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam. Ảnh: VGP |
Trong hơn hai năm qua, các cuộc khủng hoảng như đại dịch COVID-19 và xung đột Ukraine đã có tác động nghiêm trọng đối với hàng tỷ người trên thế giới, mang đến những thay đổi kinh tế và xã hội sâu sắc. Theo tính toán của UNDP, lần đầu tiên sau 32 năm, chỉ số HDI bao gồm chỉ số sức khỏe, giáo dục và mức sống của một quốc gia đã giảm trên toàn cầu trong hai năm liên tiếp. Điều này đang đi ngược với tiến độ hướng tới các Mục tiêu Phát triển Bền vững. Hơn 90% các quốc gia ghi nhận mức giảm điểm HDI vào năm 2020 hoặc 2021.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, chỉ số phát triển con người của Việt Nam tăng hai bậc trong bảng xếp hạng toàn cầu, theo Báo cáo Phát triển con người toàn cầu năm 2021/2022 của UNDP vừa công bố mới đây.
Theo đánh giá của Báo cáo, Việt Nam đã cố gắng duy trì tăng trưởng kinh tế trong những năm khó khăn nhất của đại dịch COVID-19. Mặc dù tốc độ tăng trưởng trung bình chậm lại, các nhóm và cá nhân dễ bị tổn thương đã trải qua những giai đoạn rất khó khăn, nhưng Việt Nam đã tránh được sự đảo ngược trong tiến độ phát triển con người.
Bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho rằng, kết quả trên có được là do quyền con người luôn là một vấn đề trọng tâm trong tiến trình phát triển ở Việt Nam.
Bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho biết: "Chúng tôi đánh giá cao Việt Nam trong giai đoạn dịch bệnh COVID 19 hoành hành trong hai năm qua, thời điểm rất khó khăn đối với những người dễ bị tổn thương nhất. Vào thời điểm đó, chính phủ Việt Nam đã đưa ra quy định mới về chuẩn nghèo đa chiều, tạo điều kiện cho một bộ phận rộng rãi người dân, lên đến hơn 8 triệu người, có thể được hưởng lợi từ chính sách xã hội. Một lĩnh vực khác cũng rất đáng hoan nghênh đó là chính sách bảo trợ xã hội, với những gói an sinh lớn đã được chính phủ hỗ trợ. Điều này rất có ý nghĩa cho những người dễ bị tổn thương".
Nhiều chuyên gia nước ngoài nhận định, trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, tại Việt Nam, sự ổn định chính trị luôn được giữ vững. Chính phủ tập trung thực hiện hiệu quả, đồng bộ các giải pháp giảm thiểu tác động của dịch đối với nền kinh tế, duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh, bảo đảm việc làm, an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là những người dễ bị tổn thương với phương châm không để ai bị bỏ lại phía sau.
Bà Prava Samataray, Tổng thư ký ủy ban Đoàn kết Ấn Việt, bang Tây Bengal, Ấn Độ, cho rằng: "Chênh lệch xã hội và khoảng cách giàu nghèo phát triển khi kết quả của sự phát triển quốc gia chỉ thuộc về một số bộ phận của xã hội. Nói một cách khác, nếu sự tăng trưởng và phát triển của quốc gia được hưởng thụ mà chỉ bởi một bộ phận nhỏ và đa số người dân vẫn bị bỏ quên hoặc không được động đến, thì sẽ tạo ra sự chênh lệch và khoảng cách xã hội. Nhưng ở Việt Nam thì khác. Chính sách của Việt Nam, con người là trung tâm của nó. Trên thực tế, Việt Nam đã thực hiện chủ nghĩa xã hội theo định hướng thị trường, có sự tham gia của tất cả mọi người vào quá trình phát triển".
Cuộc khảo sát Expat Insider 2022 của tổ chức InterNations thực hiện mới đây cho thấy, 84% người nước ngoài hài lòng với cuộc sống của họ ở Việt Nam. Việt Nam đứng thứ 7 trong danh sách 10 nơi đáng sống nhất trên thế giới cho người nước ngoài năm 2022 và nhiều người nước ngoài vẫn sẽ chọn Việt Nam là nơi sinh sống lâu dài của mình.
Tại Việt Nam, chỉ số phát triển con người của Việt Nam tăng hai bậc trong bảng xếp hạng toàn cầu, theo Báo cáo Phát triển con người toàn cầu năm 2021/2022 của UNDP vừa công bố mới đây.
Trước đó, Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2022 thực hiện trên 150 quốc gia trên thế giới, Việt Nam cũng tăng 2 bậc trong bảng xếp hạng. Điều này không phải ngẫu nhiên mà kết quả này chứng minh rằng Việt Nam là đất nước an toàn, mọi người cùng chung sống hạnh phúc, bình yên.
Đại sứ Palestines tại Việt Nam, ông Saadi Salami chia sẻ: "Là một trong số ít những người nước ngoài sống ở Việt Nam và theo dõi bước phát triển của Việt Nam nhiều năm, từ 1980 đến nay thì tôi có thể khẳng định với tất cả bạn bè nước ngoài và các bạn Việt Nam rằng, Việt Nam đã có bước phát triển rất ấn tượng. Từ một quốc gia nghèo phải nhập khẩu lương thực, đến nay Việt Nam đang trở thành một quốc gia đang đóng góp cho an ninh lương thực thế giới. Việt Nam dần trở thành một quốc gia nhận được sự quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới. Điều này phụ thuộc vào yếu tố nhưng yếu tố quan trọng là Việt Nam đã xác định một hướng đi riêng. Đó là mục tiêu xây dựng một nền kinh tế phục vụ cho lợi ích của toàn dân".
Quan điểm nhất quán của Việt Nam coi con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển và tiến bộ xã hội. Tăng trưởng kinh tế với các vấn đề xã hội đều gắn với con người, coi con người là trung tâm, con người được hưởng hạnh phúc từ những thành quả kinh tế mang lại. Ðiều này tiếp tục khẳng định bản chất tốt đẹp của chế độ chính trị mà Việt Nam đang xây dựng, được cộng đồng quốc tế đồng tình, ủng hộ.