(VOV5) - Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đã đạt được một số tiến bộ quan trọng nhằm tiến tới bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm và các nguồn ngân sách hỗ trợ đã và đang gia tăng nhanh chóng góp phần thiết thực vào công tác giảm nghèo, phát triển bền vững; đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội.
|
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến báo cáo Chính phủ về chương trình BHYT xã hộ |
Tính đến hết năm 2014, tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm y tế (BHYT) trong cả nước đạt 71,6% dân số, vượt mục tiêu đạt 70% theo đề án của Chính phủ đã đề ra. 18/63 địa phương đạt và vượt kế hoạch tỷ lệ người tham gia BHYT được giao, trong đó, 7 tỉnh miền núi phía Bắc và Đà Nẵng có tới trên 90% dân số tham gia BHYT. Quỹ bảo hiểm y tế đã thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh đối với nhiều đối tượng như người thuộc hộ gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn…góp phần trực tiếp giảm tỷ lệ người dân phải tự bỏ tiền khi đi khám chữa bệnh.
Bảo hiểm y tế toàn dân thể hiện sự nhân văn và công bằng xã hội
Trong tổng số 54.000 tỷ đồng mà cơ quan bảo hiểm y tế (BHYT) thu được năm 2014, có tới trên 21.000 tỷ là tiền từ ngân sách Nhà nước hỗ trợ nhóm người nghèo, cận nghèo và nhóm người thuộc diện chính sách mua BHYT. Tất cả các loại thuốc và dịch vụ y tế chất lượng cao thực hiện được ở Việt Nam nếu theo đúng quy trình, được Bộ Y tế phê duyệt thì đều được BHYT chi trả. Theo Bộ Y tế, Việt Nam hiện là một trong số ít nước tham gia thanh toán gần hết viện phí cho các bệnh nhân mắc ung thư, bệnh nhân là thân nhân các gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạnh; người nghèo và cận nghèo cũng được BHYT chi trả phần lớn, còn người bệnh chỉ phải chi trả tối đa 20% chi phí khám chữa bệnh. Các hộ gia đình làm nghề nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình đang được nhà nước hỗ trợ 30% phí BHYT. Mới đây, tại cuộc họp về tình hình triển khai thực hiện Luật Bảo hiểm y tế và Đề án thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân giai đoạn 2012-2015 và tiến tới 2020, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh BHYT toàn dân là chủ trương đặc biệt quan trọng nhằm đảm bảo mọi người dân dù giàu hay nghèo được chữa bệnh giống nhau. Đây chính là thể hiện sự nhân văn và công bằng xã hội. Thực hiện BHYT toàn dân không chỉ là vấn đề xã hội mà còn thể hiện sự ưu việt của chế độ. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các ngành và địa phương phải đẩy nhanh hơn nữa tiến trình tiến tới BHYT toàn dân: "Năm 2015 này là 75%, năm 2020 là 80%, phấn đấu đạt cao hơn. Cùng với số lượng đó thì chất lượng nâng lên, chất lượng khám chữa bệnh nâng cao, chất lượng y tế hưởng các dịch vụ cao, chi phí của người dân giảm, đối tượng thụ hưởng rộng thêm. Nhiệm vụ này đặc biệt quan trọng bởi vì đây là sinh mạng con người, sức khỏe con người mà mục tiêu cuối cùng của chúng ta là con người".
Quyết tâm thực hiện Bảo hiểm y tế toàn dân theo mục tiêu đã đề ra
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh để đạt được tỷ lệ trên 71% dân số tham gia BHYT đi cùng với việc nâng mệnh giá bảo hiểm lên tỷ lệ từ 1,5 - 4,5% lương tối thiểu là nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị. Nhờ đó mà tất cả người dân, kể cả người nghèo đều được chữa bệnh bằng những dịch vụ y tế chất lượng cao. Để thực hiện được các mục tiêu này, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế rà soát, bổ sung hoặc sửa đổi các văn bản pháp quy nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho mọi người dân tham gia BHYT. Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương vận động số hộ cận nghèo vốn đã được nhà nước hỗ trợ trên 70% số tiền đóng BHYT và các hộ gia đình có thu nhập trung bình đã được nhà nước hỗ trợ 30% tích cực đóng góp phần còn lại để tham gia BHYT. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Quan trọng nhất là phải tiếp đề cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể về nhiệm vụ bảo hiểm y tế toàn dân. Ví dụ Hội nông dân tuyên truyền vận động rồi làm đại lý bán bảo hiểm luôn rất là tốt. Hội nông dân, hội phụ nữ cũng làm tổ vay vốn cho hộ nghèo, cận nghèo. Tôi rất hoan nghênh các nội dung hoạt động của đoàn thể, rất thiết thực. Phải tới xã, có đại lý bán và mua bảo hiểm qua các hội, các tổ chức quần chúng, qua bưu điện. Phải làm hết sức cụ thể”.
Cùng với việc triển khai thực hiện Đề án thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân giai đoạn 2012-2015 và tiến tới 2020, Luật Bảo hiểm y tế mới có hiệu từ ngày 1/1/2015 cũng mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân, nhất là quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế nói chung và của người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cho biết: "Theo Luật bổ sung Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, có khá nhiều chính sách thay đổi theo hướng có lợi cho người dân tộc, thiểu số. Trước hết người nghèo, người dân tộc thiểu số không phải cùng chi trả, trước kia là phải cùng chi trả 5%. Theo quy định mới sẽ được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi được hưởng. Thay đổi thứ hai là người nghèo, người dân tộc thiểu số sinh sống ở các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn thì sẽ được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh trong khu vực điều trị nội trú nếu đi khám chữa bệnh vượt tuyến, trái tuyến, kể cả khám vượt tuyến, trái tuyến ở tuyến tỉnh và tuyến Trung ương".
Để thể hiện rõ quyết tâm của Chính phủ trong việc đẩy mạnh thực hiện BHYT toàn dân, ngay trong tháng 3 này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ ban hành chỉ thị yêu cầu các ban ngành liên quan và các địa phương đẩy mạnh thực hiện Luật Bảo hiểm Y tế và đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân. Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế để tạo lòng tin đối với người dân, từ đó ngày càng có thêm nhiều người dân tham gia mua BHYT./.