Việt Nam đang truyền đi cảm hứng về phát triển con người

Thu Hoa
Chia sẻ
(VOV5) - Việt Nam ngày càng được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, tin cậy bởi tinh thần trách nhiệm với người dân.

Những khó khăn do đại dịch COVID-19 khiến hàng triệu người thiệt mạng; đời sống hàng tỉ người bị tác động tiêu cực, tạo áp lực nặng nề lên hệ thống y tế và an sinh xã hội của tất cả các nước; ảnh hưởng đến việc thụ hưởng quyền con người. Trong bối cảnh đó, việc bảo đảm cho xã hội an toàn trước dịch bệnh chính là cách tốt nhất để bảo đảm việc thụ hưởng đầy đủ các quyền con người cho mỗi thành viên trong xã hội. Chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong bảo vệ, thúc đẩy quyền con người nhiều năm qua, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch đang truyền đi cảm hứng về phát triển con người.

Việt Nam đang truyền đi cảm hứng về phát triển con người - ảnh 1Ảnh minh họa

Không chỉ trở thành một trong những quốc gia điển hình về tiến trình thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc (LHQ) và Mục tiêu phát triển bền vững, Việt Nam ngày càng được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, tin cậy bởi tinh thần trách nhiệm với người dân, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang hoành hành.

Những dấu ấn thành công

Báo cáo phát triển con người toàn cầu năm 2020 do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố hồi trung tuần tháng 12 /2020 , lần đầu tiên xếp Việt Nam vào nhóm các nước có chỉ số phát triển con người (HDI) ở mức cao trên thế giới. Cụ thể, với HDI là 0,704, Việt Nam xếp thứ 117 trong số 189 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia đã, đang thực hiện tốt bình đẳng giới với chỉ số phát triển giới (GDI) là 0,997 (đứng thứ 65/162 quốc gia và nằm trong nhóm cao nhất trong 5 nhóm trên thế giới). Như vậy, từ năm 1990 - 2020, giá trị HDI của Việt Nam đã tăng gần 46%, nằm trong số các nước có tốc độ tăng HDI cao nhất trên thế giới. UNDP đánh giá rằng, về chất lượng phát triển con người, Việt Nam thực hiện tốt các chỉ số y tế, giáo dục, việc làm và phát triển nông thôn…

Việt Nam đang truyền đi cảm hứng về phát triển con người - ảnh 2Với HDI là 0,704, Việt Nam xếp thứ 117 trong số 189 quốc gia và vùng lãnh thổ - Ảnh: vov.vn

Trong đại dịch COVID-19, Chính phủ Việt Nam đã có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho 13 triệu người dân bị ảnh hưởng ở nhiều góc độ khác nhau. Những gì Việt Nam đã làm được trong đại dịch COVID-19 là minh chứng mới nhất, sống động nhất về tinh thần “vì người dân” cũng như thành tựu bảo vệ và thúc đẩy quyền con người đáng ghi nhận.

Việt Nam đang truyền đi cảm hứng về phát triển con người - ảnh 3Bà Caitlin Wiesen, trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Bà Caitlin Wiesen, trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam, khẳng định: “Việt Nam ứng phó thành công đại dịch COVID-19 là một câu chuyện truyền cảm hứng”. Cộng đồng quốc tế đã gọi Việt Nam là "điểm sáng", "hình mẫu" về ứng phó hiệu quả với đại dịch.

Một số báo phương Tây còn viết rằng: “Với quan điểm nhất quán chấp nhận hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân, Chính phủ Việt Nam đã kiên định chiến lược then chốt: Ngăn chặn; phát hiện; cách ly; khoanh vùng dập dịch; điều trị hiệu quả cùng những biện pháp kịp thời, quyết liệt, công khai và phù hợp với điều kiện đất nước…”.

Nhà báo chuyên về chính trị Đông Nam Á David Hutt trên đài BBC News nhận định: “Đảng Cộng sản Việt Nam đã hành động trách nhiệm và đặt người dân lên làm mối quan tâm hàng đầu”. Đồng quan điểm này, trang liberationnews.org (Mỹ) viết rằng, Việt Nam, một chính phủ xã hội chủ nghĩa, đã "đặt người dân lên trên lợi ích kinh tế".

Thành tựu truyền đi cảm hứng

Những thành tựu về bảo đảm quyền con người ở Việt Nam được cả thế giới công nhận còn được thể hiện ở việc Việt Nam là một trong những quốc gia điển hình trong tiến trình thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ của LHQ và Mục tiêu phát triển bền vững. 

Cụ thể, từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, ở mức 14 tỷ USD năm 1985, sau 35 năm, quy mô nền kinh tế Việt Nam đã tăng gấp gần 19 lần với 262 tỷ USD và trở thành một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Sự tăng trưởng kinh tế là cơ sở, tiền đề để Chính phủ Việt Nam chăm lo, thực hiện tốt các chính sách an sinh, văn hóa xã hội; thúc đẩy, bảo vệ, bảo đảm các quyền cơ bản cho nhóm người dễ bị tổn thương. Đến nay, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã ban hành 118 chính sách liên quan đến việc xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện đời sống và bảo đảm an sinh cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Mặc dù ngân sách còn nhiều khó khăn nhưng Quốc hội, Chính phủ Việt Nam đã tăng nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo gấp 2 lần so với giai đoạn trước. Với 21% ngân sách, Việt Nam đang là nước có mức ngân sách cao nhất dành phúc lợi xã hội trong số các quốc gia khu vực Đông Nam Á. 

Nhờ thực hiện đồng bộ các chính sách xã hội, trong giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ nghèo đa chiều ở Việt Nam đã giảm từ 9,88% (năm 2015) còn 3,75% vào năm 2019 và dưới 3% trong năm 2020, đưa Việt Nam thành quốc gia đầu tiên về đích trước Mục tiêu thiên niên kỷ của LHQ về giảm nghèo. Đến nay 100% các xã đã có đường ôtô đến trung tâm, 99% trung tâm xã và 80% thôn có điện. 100% đồng bào dân tộc thiểu số và người nghèo có bảo hiểm miễn phí. Cả nước hiện có gần 3 triệu người nghèo, người yếu thế được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí.

Các chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong bảo vệ, thúc đẩy quyền con người trong những năm đổi mới, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch covid-19, vừa chăm sóc sức khỏe người dân vừa duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, chính là hiện thực sinh động truyền đi cảm hứng về phát triển con người của Việt Nam.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu