Việt Nam đảm bảo bình đẳng giới

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Bình đẳng giới không chỉ là một quyền cơ bản của con người, mà còn đóng vai trò quan trọng trong phát triển bền vững của quốc gia.

Ngày 8/3 là Ngày Quốc tế Phụ nữ hay Ngày Liên Hợp Quốc vì Nữ quyền và Hòa bình Quốc tế. Tại Việt Nam, ngày này còn là dịp để nhìn lại việc thực hiện các cam kết quốc gia, quốc tế về trao quyền cho phụ nữ, trẻ em gái. Qua đó, có thể thấy bình đẳng giới là 1 trong những nhiệm vụ quan trọng của Việt Nam.

Việt Nam đảm bảo bình đẳng giới  - ảnh 1Sự kiện “Rung chuông vì bình đẳng giới” do Sở Giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HOSE), cùng UN women (Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ) tổ chức tại Việt Nam. Ảnh:dantri.com.vn

Bình đẳng giới không chỉ là một quyền cơ bản của con người, mà còn đóng vai trò quan trọng trong phát triển bền vững của quốc gia. Với hơn 50 triệu người, chiếm hơn 50% dân số cả nước, phụ nữ Việt Nam đang giữ vai trò quan trọng trong công cuộc đổi mới.

Đảm bảo quyền cơ bản của con người

Việt Nam thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong thúc đẩy bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ với một chiến lược rõ ràng, nhất quán và phù hợp với thực tiễn. Ngay từ khi thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chỉ rõ nam - nữ bình quyền là một trong mười nhiệm vụ cốt yếu của cách mạng Việt Nam.

Việt Nam đảm bảo bình đẳng giới  - ảnh 2Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và các nữ Đại sứ, Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam tham quan gian hàng làm tranh Đông Hồ tại sân Đình Đồng Kỵ (Bắc Ninh). Ảnh: VOV

Dựa trên chủ trương đó, Nhà nước Việt Nam không ngừng hoàn thiện và thực thi các chính sách bảo đảm quyền của phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ.

Cụ thể, Việt Nam là một trong số các quốc gia có khung pháp luật và chính sách khá toàn diện, đầy đủ để thúc đẩy bình đẳng giới. Ngoài quy định trong Hiến pháp hiện hành “Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới”,  thì hệ thống văn bản pháp luật cụ thể hóa Hiến pháp cũng được hoàn thiện, như: Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Bộ luật Lao động, Luật Đất đai…Việt Nam cũng đã tham gia ký kết nhiều công ước quốc tế và các chương trình nghị sự lớn về quyền của phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới.

Việt Nam đảm bảo bình đẳng giới  - ảnh 3Bà Maria Olandina Isabel Caeiro Alves, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Timor Leste tại Việt Nam phát biểu trong một sự kiện nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 tại Bắc Ninh, ngày 6/3/2024. Ảnh: VOV

Hiện, trên tất cả các lĩnh vực ở Việt Nam đều có sự cống hiến của nữ giới.

Về chính trị, tỷ lệ nữ ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ cấp tỉnh trung bình toàn quốc đạt 16%; có 61/63 tỉnh, thành phố có cán bộ nữ trong ban thường vụ. Trong Quốc hội, số lượng đại biểu nữ nhiệm kỳ khóa XV là 30, 26%, tăng 3,54% so với khoá trước (26,72%). Kết quả bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 cũng ghi nhận tỷ lệ nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh đạt 29% (so với 26,5% của nhiệm kỳ trước).

Về kinh tế, phụ nữ Việt Nam đang ngày càng khẳng định được vị thế và vai trò của mình. Số doanh nghiệp do nữ giới lãnh đạo, điều hành, quản lý thành công ngày càng tăng cho thấy sự phấn đấu, trưởng thành, tiến bộ của phụ nữ. Báo cáo chỉ số nữ doanh nhân Mastercard (MIWE) năm 2021 cho thấy, số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam ở mức 26,5%, xếp thứ 9 trên 58 nền kinh tế được nghiên cứu về số lượng phụ nữ trong vai trò lãnh đạo.

Về xã hội, Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025” đã thúc đẩy phụ nữ tham gia phát triển kinh tế, khuyến khích ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ… Đáng chú ý nhất là quyền tiếp cận giáo dục, cải thiện sức khỏe bà mẹ, sự tham gia của phụ nữ trong lực lượng lao động và tăng cường khung pháp lý và thể chế về bình đẳng giới được chú trọng.

Quốc tế công nhận

Việt Nam là một trong những quốc gia hoàn thành sớm nhất mục tiêu thiên niên kỷ về bình đẳng giới, nâng cao vị thế cho phụ nữ và hiện đang nỗ lực thực hiện Chương trình nghị sự về Phát triển bền vững 2030, trong đó có các mục tiêu về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái.

Theo đánh giá của Liên hợp quốc, Việt Nam là điểm sáng trong việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ về bình đẳng giới.

Ông Jesper Morch, Trưởng đại diện Qũy nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam đã đánh giá: “Việt Nam là nước dẫn đầu khu vực châu Á-Thái Bình Dương về các chỉ số về bình đẳng giới qua việc cung cấp dịch vụ y tế và giáo dục tới các trẻ em gái, trẻ em trai, phụ nữ và nam giới. Sự chênh lệnh về tỷ lệ nhập học giữa các em nữ và các em nam là rất thấp”.

Trong khi đó, theo Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu năm 2023 do Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố, Việt Nam là một trong những nước có chỉ số xếp hạng tiến nhanh về bình đẳng giới (trên 4 khía cạnh chính bao gồm kinh tế, giáo dục, y tế và chính trị). Đánh giá chung về bình đẳng giới tại Việt Nam, bà Maria Olandina, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Timor Leste tại Việt Nam, cho biết:Tôi đánh giá cao Việt Nam là một ví dụ điển hình  trong việc đảm bảo bình đẳng giới. Việt Nam cũng là 1 trong 10 quốc gia có thành tựu  thực hiện tốt bình đẳng giới và trao quyền phụ nữ và thanh thiếu niên. Xin cảm ơn lực lượng nữ giới Việt Nam thời gian qua đã đồng lòng cùng chúng tôi thực hiện các hoạt động vì bình đẳng giới.   

Chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2023 đứng thứ 72/146 quốc gia, tăng 11 bậc so với năm 2022. Tiến độ bình đẳng giới đạt 71,1%”. Những kết quả này là minh chứng rõ nét cho thành tựu nổi bật của việc bảo đảm, thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam; cho thấy bình đẳng giới và trao quyền năng cho phụ nữ luôn là một trong những mục tiêu chiến lược, lâu dài, quan trọng của Đảng, Nhà nước.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu