(VOV5) - Tại phiên họp thường kỳ tháng 3/2017 vừa diễn ra hôm đầu tuần, Chính phủ Việt Nam đã xem xét báo cáo chuyên đề về cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư, hay còn gọi là cuộc cách mạng 4.0. Theo đó, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã đề xuất các chính sách và giải pháp để tận dụng các cơ hội mà cuộc cách mạng công nghệ này mang lại.
|
Công nghiệp 4.0 với kỳ vọng sẽ giảm chi phí hoạt động xuống 3,6% và tăng hiệu suất lên 4,1% mỗi năm. (Ảnh minh họa: KT) |
Trong lịch sử phát triển công nghệ và công nghiệp, nhân loại chứng kiến ba cuộc cách mạng công nghiệp từ cuối thế kỷ XVIII với phát minh động cơ hơi nước, cuối thế kỷ XIX với năng lượng điện, cuối thế kỷ XX với vai trò của điện tử, công nghệ thông tin và sản xuất tự động. Giờ đây, thế giới đang nói đến sự khởi đầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với trí tuệ ảo, kỷ nguyên số và sự phát triển bùng nổ của các công nghệ liên ngành, đa ngành, xuyên ngành, làm lu mờ ranh giới của các lĩnh vực nghiên cứu đơn ngành truyền thống, như vật lý, kỹ thuật số và sinh học. Tốc độ phát triển theo cấp số lũy thừa và quy mô tác động của các công nghệ mới đang làm thay đổi mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, mọi hệ thống sản xuất, quản lý và điều hành của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Chủ động nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức
Chủ động ứng phó với các tác động của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư, Việt Nam triển khai cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Việt Nam cũng giải quyết hài hòa giữa mục tiêu trước mắt và mục tiêu lâu dài, giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, thực hiện công bằng xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Đặc biệt, Việt Nam đang dành ưu tiên cho việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tăng cường tiềm lực khoa học - công nghệ như một trong ba đột phá chiến lược. Đối với nhóm người có thu nhập thấp trong xã hội, Chính phủ quan tâm thực hiện đồng bộ nhiều chính sách, giải pháp tạo việc làm, thu nhập thông qua đào tạo nghề và hỗ trợ tín dụng; chú trọng dạy nghề cho thanh niên nông thôn, nông dân, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số và lao động nữ. Bên cạnh các chương trình quốc gia về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để nâng cao tiềm lực, trình độ khoa học - công nghệ trong nước phục vụ phát triển, Chính phủ cũng dành nguồn lực đầu tư cho các chương trình hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chính sách tăng trưởng xanh cũng được chú trọng hơn thông qua các biện pháp siết chặt giám sát, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường từ hoạt động sản xuất công nghiệp.
Đổi mới khoa học, công nghệ, hỗ trợ khởi nghiệp và đào tạo nguồn nhân lực
Bên cạnh các giải pháp kinh tế và xã hội, dưới góc độ chính sách khoa học và công nghệ, Việt Nam đã xác định các ngành công nghệ công nghiệp mà Việt Nam cần ưu tiên phát triển trong trung hạn và dài hạn để đón đầu các xu hướng công nghệ mới trên thế giới. Việt Nam cũng đổi mới nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia phù hợp với xu hướng phát triển các nghiên cứu liên ngành và xuyên ngành sinh học, vật lý học và kỹ thuật số. Việt Nam chuyển dịch trọng tâm chính sách khoa học và công nghệ, từ chỗ đầu tư cho hoạt động nghiên cứu - triển khai là chủ yếu sang chú trọng đầu tư cho thương mại hóa kết quả; lấy doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Việt Nam cũng tập trung nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp; dành kinh phí thỏa đáng cho nhập khẩu và làm chủ công nghệ tiên tiến của thế giới. Đồng thời, tập trung đầu tư cho nghiên cứu ứng dụng để nhanh chóng nâng cao năng lực công nghệ trong nước, trình độ thiết kế, chế tạo, ứng dụng công nghệ trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên. Trong điều kiện nguồn lực hạn hẹp, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp của Việt Nam tập trung cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có tiềm năng tăng trưởng cao. Chính phủ cũng tiếp tục dành ưu tiên cho việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng nâng cao trình độ cán bộ kỹ thuật, quản trị công nghệ và quản lý, quản trị doanh nghiệp; khuyến khích chuyển dịch lao động trình độ cao từ các viện nghiên cứu, trường đại học sang khu vực doanh nghiệp; tăng cường chất lượng đào tạo đại học, cao đẳng, dạy nghề, bảo đảm cung cấp lao động chất lượng cao cho các doanh nghiệp.
Việc đổi mới tư duy và phương thức quản lý nhà nước dựa trên nền tảng công nghệ kỹ thuật cao để giảm thiểu thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp, bảo đảm minh bạch hóa hoạt động của các cơ quan nhà nước cũng là việc Việt Nam đang làm để đón đầu cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư. Hiện Việt Nam đã và đang xây dựng Chính phủ kiến tạo, triển khai Đề án Chính phủ điện tử để giảm chi phí xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp và thúc đẩy triển khai cách mạng công nghệ mới.