Việt Nam chủ động trong tiến trình hội nhập APEC

Hoàng Dũng
Chia sẻ
(VOV5) - Nhận lời mời của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Vladimirovich Putin và Phu nhân, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang và Phu nhân  tham dự Hội nghị các Nhà Lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 20 tổ chức tại Vladivostok, Liên bang Nga, từ ngày 7 đến ngày 9/9/2012, để bàn về mục tiêu liên kết thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khu vực.

(VOV5) - Nhận lời mời của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Vladimirovich Putin và Phu nhân, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang và Phu nhân  tham dự Hội nghị các Nhà Lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 20 tổ chức tại Vladivostok, Liên bang Nga, từ ngày 7 đến ngày 9/9/2012, để bàn về mục tiêu liên kết thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khu vực. Đây cũng là dịp để Việt Nam đẩy mạnh triển khai hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện theo tinh thần Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần 11 của Đảng cộng sản VN, cũng như tăng cường mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga lên tầm cao mới. 

Việt Nam chủ động trong tiến trình hội nhập APEC - ảnh 1



Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (gọi tắt là APEC) được thành lập năm 1989 theo sáng kiến của Australia. Từ 12 thành viên sáng lập, sau 4 lần mở rộng đến nay APEC có 21 thành viên, trong đó có 9 thành viên của nhóm G 20, nhóm các nền kinh tế lớn như Nga, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…chiếm 59% dân số thế giới, đóng góp hơn 50% GDP và 57% giá trị thương mại toàn cầu. Chính vì thế các thành viên APEC đều coi trọng hợp tác trong diễn đàn. Năm 2012,  Hội nghị APEC diễn ra trong bối cảnh tình hình chính trị, an ninh thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, kinh tế thế giới phục hồi chậm, tiềm ẩn nhiều rủi ro, vòng đàm phán Đô-ha chưa có tiến triển…. Song với vai trò là Diễn đàn liên kết kinh tế quan trọng ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương, APEC đã nhất trí đưa ra định hướng hợp tác trong năm 2012 là “Liên kết để tăng trưởng, sáng tạo để thịnh vượng” nhằm thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm và hướng tới phát triển bền vững. Theo đó, APEC 2012 tập trung vào 4 ưu tiên là “Tự do hóa thương mại và đầu tư, liên kết kinh tế khu vực”; “Tăng cương bảo đảm an ninh lương thực”; “Thiết lập các chuỗi cung ứng đáng tin cậy” và “Thúc đẩy tăng trưởng sáng tạo”.

Kể từ khi gia nhập APEC tháng 11/1998, Việt Nam luôn là thành viên tích cực, năng động và có trách nhiệm của Diễn đàn, chủ động thúc đẩy hợp tác trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, thương mại và hợp tác khác. Điểm nhấn quan trọng trong tiến trình hội nhập là Việt Nam đã đảm đương xuất sắc vai trò chủ nhà APEC 2006, đặc biệt là thành công của Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 14 tại Hà Nội, một trong những Hội nghị được đánh giá có ý nghĩa bản lề, đưa ra những định hướng hợp tác dài hạn cho APEC. Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc các cam kết hợp tác của APEC như Báo cáo về Chương trình Hành động Quốc gia hàng năm, thực hiện Chương trình Hành động tập thể, các kế hoạch hợp tác về thuận lợi hoá thương mại, đầu tư... Việt Nam cũng đảm nhận vị trí Chủ tịch và điều hành nhiều Nhóm công tác quan trọng như Nhóm Công tác Y tế nhiệm kỳ 2009 - 2010, Nhóm công tác về Đối phó với tình trạng khẩn cấp, Nhóm công tác về thương mại điện tử… Việt Nam đã triển khai thành công hơn 70 sáng kiến, và hoạt động trên hầu hết các lĩnh vực thương mại, đầu tư, hợp tác kinh tế kỹ thuật, y tế, đối phó với thiên tai, chống khủng bố...

Tham dự Hội nghị cấp cao APEC 2012, tại Liên bang Nga, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang không chỉ một lần nữa khẳng định mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt nam-Liên bang Nga vừa được nâng tầm trong tháng 7 vừa qua mà mang theo một thông điệp rõ ràng với thế giới. Đó là: Việt Nam chủ động hội nhập và sẵn sàng hợp tác với tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ vì sự phát triển của mỗi nước, vì hòa bình phát triển của khu vực và trên thế giới. Chủ tịch nước cũng sẽ có bài phát biểu đầu tiên và dẫn đề tại Phiên họp kín Hội nghị cấp cao về an ninh lương thực và trong phiên toàn thể Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp với chủ đề “Nước-nguồn tài nguyên chiến lược toàn cầu mới” điều đó thể hiện vị thế mới của Việt Nam trong APEC ngày càng được nâng cao. Hội nghị APEC 2012 cũng chính là dịp để Việt Nam đóng góp những sáng kiến vì lợi ích chung của khu vực, đồng thời tìm ra khả năng hợp tác với các nền kinh tế khác trong APEC, nhằm đáp ứng những mục tiêu phát triển của Việt nam như tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng và thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011 – 2020.

Tham dự Hội nghị APEC lần này, chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định rõ vị thế của VN trên trường quốc tế với tâm thế chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Việt Nam sẽ tiếp tục sát cánh cùng các nền kinh tế thành viên đóng góp vào thành công chung của Hội nghị cấp cao APEC 2012, vì một khu vực châu Á – Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và thịnh vượng./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu