Việt Nam cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển kinh tế

Hồng Vân (tổng hợp)
Chia sẻ
(VOV5) - Năm 2017, Quốc hội Việt Nam thống nhất mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7%.

Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội ngày 9/6, các đại biểu Quốc hội đã đề cập nhiều giải pháp để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% năm 2017, trong đó có thu hút các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách, cải thiện môi trường đầu tư, phát triển thị trường bán lẻ, xác định nông nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn.

Việt Nam cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển kinh tế - ảnh 1Một phiên họp Quốc hội. Ảnh: VOV

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu cơ bản đồng tình với báo cáo của Chính phủ cho rằng những tháng qua, kinh tế Việt nam đã vượt qua khó khăn, tiếp tục đà phục hồi và phát triển, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định. Tuy vậy các đại biểu cũng đề nghị làm rõ việc quản lý kinh tế vĩ mô, vấn đề giá nông sản, tăng đầu tư cho phát triển. Các ý kiến cũng cho thấy sự quan tâm đặc biệt tới vai trò của kinh tế  địa phương, quy hoạch, liên kết vùng cũng như cơ cấu lại ngành nông nghiệp. 

Quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% năm 2017

Ông Lê Công Đỉnh, đại biểu Quốc hội tỉnh Long An, cho rằng Chính phủ đã rất quyết tâm không điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng 6,7%. Để thực hiện được điều này, cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Chính phủ cần đánh giá đầy đủ nguyên nhân giải ngân chậm trong 6 tháng qua và phải đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước trong 6 tháng còn lại. Đối với nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách, đại biểu Lê Công Đỉnh cho rằng: “Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp huy động nguồn lực trong dân cho sản xuất kinh doanh, kể cả Kiều hối để góp phần phát triển kinh tế. Để huy động hiệu quả, cần tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt các biện pháp kiềm chế lạm phát, nhằm tạo điều kiện đầu tư cùng với đó cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân khởi nghiệp. Đối với việc huy động Kiều hối vào sản xuất kinh doanh, cần có chính sách ưu đãi không kém gì ưu đãi với vốn FDI đồng thời phải bảo vệ được lợi ích cho người gửi và người nhận Kiều hối”.

Cùng với việc cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, Chính phủ cần thành lập các đoàn công tác do thành viên Chính phủ làm trưởng đoàn để gặp các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ kịp thời khó khăn về cơ chế chính sách. Hiện nay việc này mới triển khai được ở cấp địa phương. Khi thực hiện được điều này sẽ tạo không khí phấn khởi cho doanh nghiệp. 

Việt Nam cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển kinh tế - ảnh 2Ảnh minh họa: Quang cảnh Hà Nội từ trên cao. Ảnh: VOV 

Liên quan đến phát triển thị trường bán lẻ trong nước, ông Phạm Trọng Nhân, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương, đề nghị: “Chính phủ cần nhanh chóng có kế hoạch cụ thể hơn. Tăng cường giám sát các hoạt động dưới góc độ chính sách, đảm bảo thực hiện tốt các chính sách có liên quan trên thị trường bán lẻ và cạnh tranh. Nhanh chóng đưa luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được thông qua đi vào cuộc sống để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam chủ động trong việc cạnh tranh bán lẻ với doanh nghiệp nước ngoài. Đối với doanh nghiệp bán lẻ nội địa, bên cạnh việc phải đổi mới để nâng cao năng lực cạnh tranh với hàng hóa trong các chuỗi bán lẻ của doanh nghiệp nước ngoài thì sự liên doanh, liên kết là điều cần thiết để giành lại thị trường nội địa”.

Để kinh tế phát triển, rất cần sự lớn mạnh của ngành cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ. Do đó, Chính phủ cần có chính sách thúc đẩy năng lực chế tạo của doanh nghiệp trong nước; cải thiện môi trường kinh doanh để thúc đẩy các doanh nghiệp FDI đầu tư, chuyển giao công nghệ cho Việt Nam. Ngoài ra cần xây dựng thí điểm doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ quy mô lớn, hình thành và phát triển các cơ sở khoa học công nghệ. 

Cần xác định nông nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn

Hiện nay Nhà nước dành 5,6% ngân sách để đầu tư cho nông nghiệp trong khi đóng góp của ngành nông nghiệp cho nền kinh tế chiếm 18%. Do vậy nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ cần xác định nông nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn. Trên cơ sở đó, đầu tư nhiều hơn nữa cho nông nghiệp,  cùng với đó là giải quyết vấn đề hạn điền, cơ chế hóa, tự động hóa ngành nông nghiệp cũng như có cơ chế khuyến khích đầu tư vào công nghiệp sau thu hoạch. Để phát triển nông nghiệp hiện đại, quy mô lớn, bà Ma Thị Thúy, đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang, cho rằng: “Cần phải đổi mới hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai, việc chuyển giao ứng dụng, thúc đẩy khoa học công nghệ trong sản xuất và quản lý nông nghiệp. Chỉ có khoa học công nghệ mới tạo ra các sản phẩm chất lượng đủ sức cạnh tranh với quốc tế. Hai là tập trung nguồn lực ưu tiên phát triển hạ tầng, khuyến khích mạnh mẽ các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp. Hơn lúc nào hết chúng ta cần chính sách đặc thù,cụ thể để xây dựng mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến tới tiêu thụ ổn định. Ba là thị trường phải phát triển theo hướng mở để các loại nông sản trong nước và ngoài nước được hội nhập, cạnh tranh bình đẳng lưu thông rộng rãi. Muốn vậy thì việc tăng cường liên kết giữa các địa phương trong vùng, khu vực trong xúc tiến thương mại là rất quan trọng”.

Bà Trần Thị Hoa Ry, đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu, đề nghị: “Cần có sự tăng cường đầu tư cho nông nghiệp nông thôn có cơ cấu và phân bổ hợp lý nguồn lực từ ngân sách tương xứng với đối tượng thụ hưởng trong tổng đầu tư vốn hiện nay. Bên cạnh đó tạo điều kiện thuận lợi để nông dân có thể ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật, phục vụ trong sản xuất. Quan tâm đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở thí nghiệm, thực nghiệm giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để cung cấp giống phù hợp với từng vùng , miền, gắn với công nghiệp chế biến sâu,quan tâm hơn nữa xây dựng thương hiệu mặt hàng nông sản có chất lượng”.

Năm 2017, Quốc hội Việt Nam thống nhất mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7%. Việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp từ thu hút vốn đầu tư, phát triển thị trường đến việc đầu tư nhiều hơn cho các lĩnh vực mũi nhọn là những yếu tố quan trọng để có thể đạt được mục tiêu đã đề ra.         

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu