Với vai trò là thành viên của Hội đồng Kinh tế Xã hội nhiệm kỳ 2016-2018, tại diễn đàn này, Việt Nam tiếp tục khẳng định quan điểm: phát triển bền vững được lồng ghép xuyên suốt trong các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và là ưu tiên hàng đầu.
Diễn đàn Chính trị cấp cao về phát triển bền vững của Hội đồng Kinh tế-xã hội Liên hợp quốc năm nay quy tụ hơn 2.500 đại biểu đến từ 193 nước thành viên Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ và giới học giả quốc tế. Với chủ đề “Chuyển đổi hướng tới các xã hội bền vững và tự cường", Diễn đàn năm nay rà soát việc thực hiện 6/17 mục tiêu phát triển bền vững và xem xét Báo cáo của 47 quốc gia.
Việt Nam chú trọng đến các nhóm yếu thế trong xã hội như người nghèo, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số... (Nguồn: TTXVN) |
Những kết quả ấn tượng
Trong báo cáo của mình, đại diện Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương, nêu bật kết quả đạt được trong việc thực hiện 17 SDGs, đồng thời khẳng định quan điểm phát triển bền vững được Việt Nam lồng ghép xuyên suốt trong các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và được cụ thể hóa trong Kế hoạch Hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 với 115 mục tiêu cụ thể.
Trên thực tế, thời gian qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về phát triển kinh tế-xã hội, minh chứng bằng những con số thống kê ấn tượng. Tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam các năm 2015, 2016 và 2017 đạt tương ứng 6,7%, 6,2% và 6,8%; trong khi tỷ lệ nghèo đa chiều giảm từ 9,9% năm 2015 xuống còn dưới 7% năm 2017.
Năm 2016, tỷ lệ hộ có nguồn nước hợp vệ sinh đạt 93,4% và tỷ lệ hộ gia đình được tiếp cận điện lưới là 99%. Tỷ lệ dân số sử dụng Internet là 54,2% năm 2017. Đáng chú ý, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 86,4% năm 2017 và Việt Nam đang nỗ lực hướng tới mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân vào năm 2020. Tại một diễn đàn APEC cuối năm 2017, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh: "Làm sao có được hệ thống chính sách đảm bảo bảo hiểm được bao phủ toàn dân với nhiều gói dịch vụ khác nhau để đáp ứng tất cả các yêu cầu rất đa dạng của người dân. Làm sao thay đổi cách chi tiêu trong y tế, chuyển dần từ khám bệnh, chữa bệnh là chủ yếu sang dự phòng.Cùng với đó là làm sao khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào phát triển các cơ sở chăm sóc sức khỏe cho mọi người, đặc biệt là các cơ sở dưỡng lão.Tất cả những điều đó đặt ra yêu cầu đổi mới mạnh mẽ y tế".
Nhằm triển khai mạnh mẽ chỉ đạo này của Chính phủ, mới đây nhất, ngày 15/7, Bộ y tế đã điều chỉnh 88 dịch vụ y tế theo hướng giảm, nhằm đảm bảo người dân được quyền chăm sóc sức khỏe một cách tốt nhât. Bà Trần Thị Giáng Hương, Vụ trưởng Vụ hợp tác Quốc tế, Bộ Y tế cho biết: "Việt Nam có một sự cam kết mạnh mẽ, sự lãnh đạo của Chính phủ rất quyết liệt và nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là của ngành y tế trong việc tăng mức độ bao phủ của bảo hiểm y tế cho người dân. Khi người dân được bảo vệ bởi bảo hiểm y tế thì khi có vấn đề sự cố về sức khỏe đã có bảo hiểm chi trả".
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có những bước tiến trong tăng cường bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội; giảm thiểu bất bình đẳng và cải thiện tiếp cận thông tin và pháp luật cho người dân; chú trọng đến các nhóm yếu thế trong xã hội như người nghèo, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số... thông qua việc thực hiện một loạt chính sách.
Nỗ lực để không ai nào bị bỏ lại phía sau.
Trong quá trình thực hiện, Việt Nam còn gặp nhiều thách thức về xã hội, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, khó khăn về nguồn lực tài chính…Song thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực thực hiện Kế hoạch Hành động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Việc Việt Nam trình bày Báo cáo Quốc gia tự nguyện về việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc tái khẳng định Việt Nam cam kết tiếp tục phát huy thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế trong nỗ lực để bảo đảm mọi người dân được phát huy tiềm năng, tham gia và thụ hưởng bình đẳng thành quả của phát triển.